Tỷ giá EUR/VND giảm hơn 7% so với đỉnh tháng 6
Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/6, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Tại Việt Nam, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, nhưng một số cổ phiếu có lực cầu tăng cao, giá tăng mạnh như: NT2 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, BTS của CTCP Xi măng Vincem Bút Sơn, BCC của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn.
Điểm chung của các cổ phiếu này là doanh nghiệp có dư nợ khá lớn bằng EUR. Với việc Anh rời khỏi EU, EUR được dự báo sẽ mất giá, các doanh nghiệp trên sẽ được hưởng lợi.
Thực tế cho thấy, sau sự kiện Brexit trên, tỷ giá EUR/VND có xu hướng giảm. So với mức đỉnh hồi tháng 6, tỷ giá EUR/VND hiện giảm hơn 7%. Điều này kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng EUR không những bù đắp được toàn bộ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong 9 tháng đầu năm, mà còn có thêm khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong quý IV/2016. Bởi lẽ, so với xuất phát điểm đầu năm, tỷ giá EUR/VND hiện thấp hơn 1,4%.
Với BCC, khoản vay của Công ty đã giảm từ 28,6 triệu EUR đầu năm 2016 xuống còn 9,8 triệu EUR. Nếu kết quả kinh doanh thuận lợi và BCC trả hết nợ trong năm nay, gánh nặng tỷ giá và lãi vay sẽ được giải tỏa.
Tỷ giá JPY/VND giảm hơn 10% kể từ đầu quý IV
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) từ lâu có khoản vay lớn bằng Yên Nhật (JPY) nên kết quả kinh doanh thường xuyên biến động theo diễn biến tỷ giá JPY/VND, dù Công ty hoạt động trong ngành sản xuất điện - được xem là có tính phòng thủ cao.
9 tháng đầu năm 2016, PPC ghi nhận khoản lỗ 348 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do chênh lệch tỷ giá. Thời điểm cuối quý III/2016, tỷ giá JPY/VND đã tăng 18,3% so với đầu năm, khiến PPC lỗ do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hơn 760 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, từ đầu quý IV trở lại đây, tỷ giá JPY/VND giảm hơn 10% và so với đầu năm chỉ còn tăng gần 6,6%. Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, trong trường hợp tỷ giá JPY/VND được giữ nguyên đến cuối năm 2016, ước tính PPC có thể ghi nhận khoản lãi khoảng 420 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá trong quý IV, tương ứng 419 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chấm dứt chuỗi kết quả kinh doanh kém khả quan trong 3 quý đầu năm. Trường hợp thuận lợi, PPC có thể bù hết lỗ lũy kế và ghi nhận cả năm có lãi.
Tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định
Năm 2016 được xem là một năm tương đối ổn định của tỷ giá USD/VND, tính đến ngày 2/12, tỷ giá này tăng chưa đến 1% so với đầu năm. So với mức tăng 5,6% trong năm 2015, con số này rõ ràng rất tích cực.
Nhờ tỷ giá ổn định, kết quả kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp nhập khẩu hay có vay nợ lớn bằng USD như HT1, NT2 hay Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) không biến động mạnh như năm ngoái.
Cuối tháng 11 vừa qua, tỷ giá USD/VND tăng “nóng”, tăng hơn 2,1% trong vòng 1 tháng. Có ý kiến cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng xuất phát từ sự lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ sớm tăng lãi suất, nhu cầu nhập khẩu gia tăng trong giai đoạn cuối năm và có cả yếu tố đầu cơ.
Tuy nhiên, với tuyên bố sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND nhanh chóng hạ nhiệt và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng dự báo, tỷ giá sẽ không có biến động mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Quản trị rủi ro tỷ giá
Biến động tỷ giá ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ, hay phải nhập khẩu, chi trả các chi phí bằng ngoại tệ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có chính sách quản trị rủi ro tỷ giá.
Ở các thị trường phát triển, nơi các loại sản phẩm phái sinh tiền tệ hay bảo hiểm tỷ giá đa dạng, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn phương pháp phòng ngừa để loại trừ những biến động bất thường, tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh chính.
Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm này chưa có nhiều, hoặc mức phí khá cao. Nhiều doanh nghiệp đã tìm cách cân đối nguồn ngoại tệ thu vào - chi ra như cố định các hợp đồng đầu vào và đầu ra bằng USD, hay dùng doanh thu bằng hợp đồng ngoại tệ để cân đối với khoản nợ đầu tư hay nhập khẩu. Nhưng cũng có doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, giao dịch ngoại tệ không thường xuyên, không thực hiện biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá nào.
Theo nguyên tắc kế toán, khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ phải chốt tỷ giá, dư nợ và hạch toán lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá vào báo cáo lợi nhuận. Tuy nhiên, lãi/lỗ từ chênh lệnh tỷ giá không hoàn toàn là nguồn tiền doanh nghiệp phải chi ra hay nhận được trong kỳ, mà chênh lệch thực sự là số tiền doanh nghiệp đã chi thực tế trong kỳ đó.
Một khoản dư nợ có thể có thời gian hoàn trả lên đến hàng chục năm và con số chi trả hàng năm nhỏ hơn nhiều những gì con số lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá thể hiện trên báo cáo tài chính. Vì thế, nhà đầu tư cần lưu ý khi phân tích những khoản lợi nhuận/lỗ đột biến từ tỷ giá để đánh giá chính xác hơn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.