Tỷ giá tăng theo mùa nhập khẩu

(ĐTCK)Sau một tuần liên tục tăng trước đó, đầu tuần này, tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu ổn định. Đáng chú ý, ngày hôm qua, tỷ giá được niêm yết trong buổi chiều tăng mạnh ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với buổi sáng.
 
Cả NHTM lẫn khách hàng DN đều lo ngại tỷ giá tiếp tục tăng
Cả NHTM lẫn khách hàng DN đều lo ngại tỷ giá tiếp tục tăng

Các mức tăng lớn trong 1 ngày

Khảo sát trên thị trường ngày hôm qua (18/11), tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng quốc doanh hoặc có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối tăng khá mạnh, ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày trước đó. Tại VietinBank, tỷ giá được điều chỉnh lên 21.355 - 21.420 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng khoảng 60 đồng chiều mua vào và 50 đồng chiều bán ra. Tại Vietcombank, tỷ giá được niêm yết ở mức 21.350 - 21.410 đồng/USD, tăng xấp xỉ 50 đồng. BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 21.360 - 21.420 đồng/USD, tăng gần 60 đồng.

Tại các ngân hàng TMCP, tỷ giá được niêm yết tăng cũng là tình hình chung trong ngày hôm qua. Cụ thể, Techcombank niêm yết tỷ giá ở mức 21.270 - 21.385 đồng/USD, tăng 20 đồng so với ngày trước đó. ACB và Eximbank giao dịch mua vào - bán ra USD ở mức 21.340 - 21.420 đồng/USD, tăng 40 đồng so với buổi sáng. 

Những nhân tố tác động

Trao đổi với ĐTCK về tình trạng USD tăng giá liên tục trong thời gian qua, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB phân tích, số liệu xuất nhập khẩu tháng 9 và tháng 10/2014 cho thấy, giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn dẫn đến cán cân thương mại nhập siêu nhẹ, chứ không còn xuất siêu như các tháng trước. Trong các tháng còn lại của năm 2014, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ lễ, tết sẽ tăng thêm và các mức nhập siêu nhẹ trong thời điểm này là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thời gian qua, không ít nhà đầu tư nước ngoài bán ra trái phiếu VND đầu tư trước đó để chốt lời, thậm chí cả cắt lỗ, đi cùng với việc mua lại ngoại tệ. Việc Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế và đang cân nhắc phát hành thêm đã hấp dẫn họ. Bởi lẽ, lợi suất trái phiếu VND ở mức thấp (5,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm) và có rủi ro tỷ giá, trong khi nếu đầu tư vào trái phiếu quốc tế của Việt Nam không có rủi ro tỷ giá trên nền tảng Việt Nam đang nắm giữ một mức dự trữ ngoại hối tốt nhất từ trước đến nay.

“Ngoài ra, các ngân hàng trước đó triển khai khá mạnh sản phẩm cho vay tiền đồng với lãi suất ngoại tệ (bản chất là các ngân hàng sẽ phải giữ âm trạng thái USD, dương trạng thái VND). Rất có thể, cuối năm nay, khách hàng sẽ tất toán các khoản vay, khiến các ngân hàng phải mua lại ngoại tệ để giảm bớt trạng thái âm”, ông Quang nói.

Đồng quan điểm Việt Nam liên tục nhập siêu trong 2 tháng 9 và 10 với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD đã tác động đến diễn biến tỷ giá gần đây, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc thị trường vốn, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết thêm một số nhân tố tác động, đó là dòng vốn đầu tư gián tiếp có dấu hiệu rút ròng do Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ ngưng gói nới lỏng định lượng. Thêm vào đó, thanh khoản nguồn vốn tiền đồng dồi dào trong tháng 10 và lãi suất thấp tạo điều kiện để các NHTM tăng mua ngoại tệ. Đặc biệt, nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên gần đây khi tỷ giá thị trường chạm mốc tâm lý 21.300 đồng/USD và một số NHTM đã mua thêm USD để quản lý trạng thái ngoại hối.

“Lãi suất luôn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá do các NHTM sẽ phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận của việc nắm giữ đồng VND hay đồng USD. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, tỷ giá USD/VND vẫn tăng, bất chấp thanh khoản VND hơi căng thẳng, chứng tỏ tâm lý thị trường đang khá yếu. Cả NHTM lẫn khách hàng DN đều lo ngại tỷ giá tiếp tục tăng do dự kiến nhu cầu thanh toán ngoại tệ vào dịp cuối năm sẽ tăng”, ông Đạt nói. 

Dự báo tỷ giá cuối năm

Theo ông Quang, đầu năm nay, tỷ giá ở mức 21.200 đồng/USD, đến tháng 6 tăng lên 21.400 đồng/USD, sau đó giảm xuống 21.200 đồng/USD và hiện tại là 21.400 đồng/USD. Sự thay đổi này đều nằm trong biên độ khoảng 1% là điều bình thường, không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN xuất nhập khẩu.

“Hiện nhu cầu mua ngoại tệ có tăng lên, nhưng thanh khoản vẫn tốt, thể hiện qua việc tất cả những nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp của cá nhân và DN được các NHTM cung ứng đầy đủ, tỷ giá USD/VND nằm trong biên độ của NHNN. Thông thường, về cuối năm, nhu cầu thanh toán của DN tăng lên, nhưng cho đến nay, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư (9 tháng đầu năm thặng dư 11 tỷ USD - theo như Thống đốc NHNN báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9), nên các nhu cầu ngoại tệ của DN và cá nhân sẽ tiếp tục được đáp ứng đầy đủ. HSBC dự báo, tỷ giá xoay quanh mốc 21.250 đồng/USD vào thời điểm cuối năm 2014”, ông Đạt nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục