Tỷ giá tăng tạo áp lực lên lãi suất

(ĐTCK) Trong khi một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì các nhà băng nhỏ phải tăng khuyến mãi để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân. Đáng chú ý, động thái điều chỉnh tỷ giá 1% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đang tạo áp lực lên lãi suất tiết kiệm.
VIB áp dụng chính sách lãi suất tới 10%/năm cho kỳ hạn 7 tháng trở lên VIB áp dụng chính sách lãi suất tới 10%/năm cho kỳ hạn 7 tháng trở lên

Ngoài việc áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm cho khách hàng dưới 45 tuổi (kỳ hạn 12 tháng) và 8,8%/năm cho khách hàng có độ tuổi trên 45 tuổi cùng kỳ hạn, để thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm, VietA Bank còn đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi như tặng tiền cho khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới.

Lãnh đạo VietA Bank cho biết, nguồn tiết kiệm của Ngân hàng vẫn khá dồi dào, thanh khoản dôi dư, nhưng với mức trần lãi suất 6%/năm hiện nay, nhiều người cũng sẽ cân nhắc giữa việc gửi tiết kiệm hay bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác như bất động sản.

Không riêng VietA Bank, mà đa số ngân hàng đang cạnh tranh khá quyết liệt về thị phần tiền gửi thông qua các chương trình khuyến mãi, gia tăng tiện ích cho khách hàng. Chẳng hạn như VIB triển khai chương trình khuyến mãi cho khách hàng gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất thưởng lên tới 10%/năm cho kỳ hạn tiền gửi chỉ 7 tháng. Phần lãi suất tặng thêm sẽ được VIB quy đổi thành tiền mặt để tặng cho người gửi tiền.

Ngay ngân hàng lớn như Sacombank, dù nguồn vốn huy động trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng trên 10%, trong khi, tăng trưởng tín dụng 5 tháng qua mới đạt 5 - 6%, nhưng nhà băng này vẫn tung khuyến mãi lớn để thu hút người gửi tiền.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, so với các kênh đầu tư khác thì lãi suất tiết kiệm hiện nay vẫn được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, có thể về dài hạn, nếu lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức này, nhưng thị trường chứng khoán, bất động sản hồi phục, khả năng nhiều người sẽ chuyển sang các kênh đầu tư này. Nhưng theo ông Tâm, đó cũng chính là một tin vui cho thị trường. Bởi một khi nguồn tiền được đưa ra đầu tư, sản xuất - kinh doanh sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và khi thu nhập được tăng lên thì nguồn tiền nhàn rỗi sẽ được gửi ngược lại ngân hàng.

Việc cắt giảm lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay được thực hiện khá dè chừng, cho dù thanh khoản đang khá dôi dư. Một số ngân hàng lớn vừa có động thái cắt giảm thêm lãi suất tiết kiệm, song cũng chỉ ở biên độ 0,1 – 0,3%/năm. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng lớn vừa qua là để thăm dò thị trường, vì vốn ngân hàng đang bí đầu ra, tín dụng không tăng trưởng.

Đáng chú ý, sau động thái công bố điều chỉnh 1% tỷ giá của NHNN trong tối ngày 18/6, một số ngân hàng cho biết không thể mạnh tay giảm lãi suất tiết kiệm, ngược lại còn tăng mạnh các chương trình khuyến mãi và lãi suất kỳ hạn trên 1 năm. Đại diện OCB cho rằng, nguồn tiết kiệm của ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng không thể giảm sâu lãi suất tiết kiệm mà phải duy trì theo mặt bằng lãi suất chung để hút tiền nhàn rỗi. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, đây là thời điểm tốt để ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động, kỳ hạn dài tỷ lệ tăng nhanh hơn so với nguồn vốn huy động ngắn hạn, để cho vay trung, dài hạn. Đồng thời, qua đó, hạ giá thành vốn đầu vào để các ngân hàng có cơ sở giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Có như vậy, tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, nếu lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp, các kênh đầu tư khác ấm lên, chắc chắn, ngân hàng sẽ khó thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi, nên các ngân hàng rất dè chừng trong việc giảm lãi suất tiết kiệm. 

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay hiện đã trở lại với mức trước thời điểm khủng hoảng xảy ra, đồng thời, chi phí vốn cũng khó có thể cắt giảm thêm, nên trước mắt, lãi suất cho vay khó giảm sâu.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục