Tỷ giá tăng sát trần
Đầu ngày hôm qua, các ngân hàng đã khá mạnh tay khi điều chỉnh tỷ giá. Cụ thể, Techcombank có lúc đã nâng giá bán lên tới 21.870 đồng/USD, chỉ còn cách trần 20 đồng (21.890 đồng/USD).
Tương tự, Eximbank đã từng công bố giá mua vào - bán ra ở mức 21.800 - 21.860 đồng/USD. Còn tại Vietcombank, tỷ giá USD ngày hôm qua tuy giảm nhẹ 10 đồng về cuối ngày so với ngày trước đó, nhưng vẫn mua vào - bán ra ở mức 21.795 - 21.855 đồng/USD. So với đầu tuần trước, tỷ giá hiện đã cao hơn từ 50 - 55 đồng.
Trên thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD mua vào ở mức từ 21.850 - 21.855 đồng/USD và chiều bán ra là từ 21.860 - 21. 865 đồng/USD. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh công bố giá mua và bán quanh mức 21.850 - 21.870 đồng/USD.
Trong khi đó, NHNN vẫn đang áp dụng tỷ giá giao dịch USD ở mức mua vào - bán ra là 21.600 - 21.820 đồng/USD; tỷ giá bình quân liên ngân hàng được niêm yết trên trang web của NHNN là 1 USD = 21.673 VND.
Một vài ý kiến nhận định, tỷ giá tăng gần sát trần tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, nguồn cung đang nhỏ hơn trong khi nhu cầu trên thị trường khá lớn. Tuy thời điểm hiện tại chưa phải là cao điểm nhưng tỷ giá đã khá căng, điều này sẽ gây căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, đặc biệt là vào dịp cuối năm…
Thanh khoản dồi dào
Giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng cho biết, nhiều khả năng các NHTM đã bán ngoại tệ nên trên thực tế, thị trường ngoại hối hiện đang ổn định, thanh khoản khá dồi dào. Mặc dù giá niêm yết mua vào - bán ra tại quầy giao dịch các ngân hàng cao nhưng trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá bình quân hiện đang quanh mức 21.830 – 21.840 đồng/USD.
Theo báo cáo của các TCTD, tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong tuần thứ 2 của tháng 5, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng USD quy đổi ra VND đạt 46.934 tỷ đồng (bình quân khoảng 9.387 tỷ đồng/ngày), tăng 3.386 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Còn Báo cáo do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 2,29 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tính cả cấp mới và tăng vốn, giảm 22% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, các dự án FDI đã giải ngân được gần 5 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm trước trong khoảng thời gian này. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2015 cho biết, vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%.
“Các dự án FDI, ODA được giải ngân đồng nghĩa với việc một lượng ngoại tệ được đưa vào thị trường ngoại hối giúp điều hòa, cân bằng cung - cầu thị trường ngoại hối”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, thời gian qua, tại thị trường trong nước, tỷ giá có diễn biến tăng. Qua việc theo sát diễn biến của thị trường và phân tích, NHNN thấy rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá vẫn nằm trong biên độ quy định của NHNN và các nhu cầu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được các TCTD đáp ứng kịp thời.
Mặt bằng mới là bao nhiêu?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường ngoại hối sau thay đổi tỷ giá ổn định hơn và lại tạo ra một mặt bằng giá mới, đặc biệt, tâm lý kỳ vọng của thị trường đã được giải tỏa.
Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố Báo cáo phân tích tình hình kinh tế và ngoại hối Việt Nam, theo đó, NHNN khó có thể phá giá tiền đồng thêm một lần nữa dựa trên cam kết vào tháng 12 năm ngoái là không giảm giá tiền đồng quá 2% trong năm nay.
Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối năm nay có thể là một nguyên nhân mới giúp USD mạnh lên và buộc NHNN phải tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Nếu như nguồn dự trữ ngoại tệ của NHNN được đưa vào sử dụng cho việc cấp vốn các dự án phát triển của Chính phủ thì điều này sẽ khiến cho NHNN trở nên thiếu cơ sở để duy trì với các cam kết và giữ vững uy tín của mình.
“Tâm lý tiêu cực xung quanh những vấn đề này đã khiến tỷ giá USD/VND giao dịch ở nửa cao của biên độ mặc dù mới phá giá gần đây… Nhưng, HSBC không nghĩ rằng tiền đồng sẽ suy yếu mạnh và dự báo rằng cặp tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 21.750 (khoảng 0,35% trên mức trung điểm mới).
Với chu kỳ tín dụng tốt, lạm phát thấp và lãi suất thực cao hơn, chính sách ngoại hối sẽ trở nên linh động hơn trong khả năng quản lý các thời điểm có nhu cầu đô la Mỹ cao.
Mặc dù NHNN đã sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ nhưng vẫn còn ở vị thế tốt trên phương diện ngoại hối so với một số thời điểm trước đây. Điều này đảm bảo chúng ta sẽ không chứng kiến cặp tỷ giá USD/VND có sự thay đổi cao quá mức nào trong một vài tháng tới”, Báo cáo của HSBC nhận định.
Mức giá mới được vị Giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhận định: “Khi kỳ vọng thay đổi tỷ giá trong ngắn hạn không còn, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá là vẫn dồi dào (xuất siêu trên 2 tỷ USD, kiều hối khoảng 13 - 14 tỷ USD trong năm 2015…), thị trường ngoại hối thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục ổn định trở lại, tỷ giá được xác lập một mặt bằng mới và giao dịch quanh mức 21.800 đồng/USD”.
Tuy vậy, TS. Vũ Đình Ánh khuyến nghị: “Cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường, đồng thời căn cứ trên các dự báo tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán và diễn biến của quan hệ tỷ giá hối đoái giữa USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới để có quyết định điều hành tỷ giá”.
“Thời gian tới, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để có thể ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới và tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cũng như các dự báo về kinh tế vĩ mô và tiền tệ để điều hành một cách phù hợp”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.