Điều chỉnh tỷ giá, cởi nút thắt tâm lý cho NĐT nước ngoài

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%. Điều này khiến nhiều ý kiến quan ngại sẽ có tác động đến TTCK, đặc biệt là dòng tiền của NĐT nước ngoài.
Điều chỉnh tỷ giá, cởi nút thắt tâm lý cho NĐT nước ngoài

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng dự báo mức điều chỉnh tỷ giá năm nay vào khoảng 3 - 4% và trong ngắn hạn, đây là điểm cộng cho thị trường bởi cởi được nút thắt tâm lý cho NĐT nước ngoài, giúp cải thiện lượng tiền giải ngân của khối này vào thị trường Việt Nam.

Trước giai đoạn nghỉ lễ 30/4 - 1/5, NHNN đã có thông báo về việc chưa cần thiết để điều chỉnh tỷ giá. Các NĐT nước ngoài khi đó lo ngại về rủi ro điều chỉnh tỷ giá, đã ảnh hưởng tới dòng tiền vào thị trường Việt Nam. Theo đó, với những NĐT mới, lượng tiền không còn giải ngân một cách ồ ạt, mà chờ đợi thêm thông tin về tỷ giá.

Trên thực tế, tỷ giá VND đã neo rất cân bằng với đồng USD trong vòng 1,5 năm trở lại đây, trong khi đồng USD đang tăng giá so với các đồng tiền khác, nên lo ngại của NĐT nước ngoài không phải không có cơ sở và lượng tiền đi vào thị trường cũng yếu so với lượng tiền thực.

Theo ông Lâm, mức điều chỉnh tỷ giá 1% nằm trong dự báo của các NĐT tổ chức nước ngoài và họ dự báo khả năng NHNN sẽ có thêm 1 đợt điều chỉnh tỷ giá nữa, với tổng mức điều chỉnh vào khoảng 3 - 4% cho năm nay. Trong ngắn hạn, đây là điểm cộng cho thị trường bởi cởi được nút thắt tâm lý cho NĐT nước ngoài, lo ngại được gỡ bỏ một phần, vì vậy giúp cải thiện lượng tiền giải ngân của khối này vào thị trường Việt Nam.

Thống kê giao dịch của NĐT nước ngoài từ ngày 7/5 (thời điểm NHNN điều chỉnh tỷ giá) đến ngày 11/5 cho thấy, khối ngoại đã mua ròng hơn 12 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 258 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.

“Thị trường đang ở vùng giá thấp, là thời điểm tốt nhất để các quỹ đầu tư tiến hành giải ngân. Nhìn vào lịch sử dữ liệu, chưa nói đến tác động của tỷ giá, những phiên trước đó dù thị trường giảm điểm thì khối ngoại vẫn đang giải ngân rất đều tay. Điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp kéo dài thêm động thái này, nhưng chưa đủ để giao dịch khối ngoại bùng lên”, ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN là hợp lý hóa giao dịch thực tế trên thị trường. Vì vậy, không tác động quá lớn đến diễn biến chung của dòng tiền NĐT nước ngoài vào TTCK, nhưng sức hấp dẫn cũng giảm đi. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đã giảm đáng kể, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, có một điểm đáng quan tâm hơn vấn đề tỷ giá là từ đầu năm đến nay, dòng vốn nước ngoài liên tục rút mạnh khỏi Trung Quốc.

Diễn biến này đã ảnh hưởng khá rõ tới TTCK châu Á và TTCK Mỹ trong những phiên giao dịch cuối tuần trước. Nếu chỉ số Shanghai Composite trên TTCK Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, khả năng sẽ ảnh hưởng tới TTCK Mỹ và tác động chung tới các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Quỹ VNM ETF đang giao dịch trên TTCK Mỹ có thể bị giảm trở lại. Quan sát của MBS gần đây cho thấy, quỹ này chuyển từ trạng thái trading premium (giao dịch) sang discount (giảm giá). Nếu mức độ discount trên 1%, khả năng bị rút vốn sẽ diễn ra và qua đó, áp lực bán sẽ tăng lên tại TTCK Việt Nam.

“Nếu ảnh hưởng từ TTCK Trung Quốc lan rộng, VN-Index sẽ giảm xuống dưới hỗ trợ fibonacci Retracement 38,2% thì khả năng áp lực bán sẽ tăng lên và thị trường có thể tiệm cận đáy trung hạn quanh vùng +/- 510 điểm. Đây là kịch bản xấu và chúng ta nên dự phòng khả năng này diễn ra trong ngắn hạn. Trường hợp NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng và hỗ trợ thị trường, có thể xảy ra kịch bản lạc quan hơn, đó là chạm đáy cũ ở vùng +/- 540 điểm và hồi phục đi lên”, ông Sơn nhận định.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục