TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến sự biến động của thị trường ngoại hối thời gian qua. Trước tiên, USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh do yếu tố đầu cơ, trục lợi khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen mở ra khả năng có thể sẽ điều chỉnh lãi suất vào tháng 12 tới. Nâng lãi suất, giá trị đồng USD tăng sẽ đẩy thị trường đầu tư, chứng khoán vào những đợt chao đảo mới và Việt Nam sẽ bị tác động nhất định.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIB cho rằng: “Giá vàng trên thế giới “rớt” sâu nên chênh lệch giữa thị trường trong nước và quốc tế lớn, dẫn đến các tác động nhất định về tâm lý. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường ngoại hối thời gian qua chủ yếu do cung, cầu ngoại tệ cuối năm, khi DN nhập khẩu hàng phục vụ Tết và mua ngoại tệ trả nợ”.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ giá biến động còn do yếu tố nhập siêu tăng dẫn đến thâm hụt thương mại. Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu của cả nước đạt 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; ước tính nhập siêu tháng 10 khoảng 100 triệu USD, đưa thâm hụt thương mại 10 tháng lên tới 4,1 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB dự báo, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định quanh mức 22.500 VND/USD. HSBC dự báo tỷ giá quý IV/2015 ở mức 22.800 VND/USD và giữ mức 23.000 VND/USD trong quý I, II/2016.
Theo dự báo của cơ quan này, những tháng cuối năm nếu giá dầu thô không tăng, trong khi các hãng hàng không tiếp tục nhập khẩu máy bay phục vụ quá trình hiện đại hóa, nhập siêu 2 tháng cuối năm 2015 có thể sẽ tăng lên.
Trong khi đó, tại báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2015, Ngân hàng HSBC cho rằng, một trong hai thách thức lớn nhất của Việt Nam là thâm hụt ngân sách ngày càng nới rộng, Bộ Tài chính đã phải nỗ lực vay tiền do nhu cầu đối với phát hành trái phiếu Chính phủ thấp.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã truyền đi Thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc điều hành ngân sách Nhà nước năm 2015 và triển khai nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách năm 2016. Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Vụ Tài chính ngân hàng cần phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đề nghị tạm ứng hoặc cho ngân sách Nhà nước vay khoảng 30.000 tỷ đồng.
“Thông tin trên được Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính xác nhận, NHNN đã chuyển khoản cho Bộ Tài chính vay “nóng” tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2015 của Bộ Tài chính. Tất nhiên, Bộ Tài chính vay tiền đồng nhưng việc vay này có thể làm cung tiền tăng lên, do lượng tiền được đẩy ra thị trường thông qua tài trợ dự án, chi phí công… do vậy, sẽ có thể tác động lên tỷ giá một cách gián tiếp”, một lãnh đạo ngân hàng nêu quan điểm.
Mặc dù nhiều nhận định đều cho rằng từ nay đến Tết âm lịch, nhu cầu mua sắm tăng lên cộng với việc Fed có thể tăng lãi suất chắc chắn sẽ có áp lực nhất định và tác động đến tâm lý thị trường, nhưng ông Lê Quang Trung dự báo, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định quanh mức 22.500VND/USD. HSBC dự báo tỷ giá quý IV/2015 ở mức 22.800VND/USD và giữ mức 23.000VND/USD trong quý I, II/2016.
TS. Hiếu cho biết: “NHNN đã cam kết không điều chỉnh tỷ giá, tôi tin NHNN sẽ cố gắng “trụ” để giữ vững cam kết của mình với các biện pháp hành chính, như giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD và Thông tư mới về việc chống găm giữ USD… đã phần nào hỗ trợ giảm nhiệt trên thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, NHNN có dự trữ quốc gia để can thiệp khi cần”
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của huy động và tín dụng ngoại tệ ở mức dưới 85%, trong giới hạn an toàn về thanh khoản và cơ quan này cho rằng, tỷ giá có thể tiếp tục duy trì ổn định trong những tháng còn lại của năm 2015.