Mặc dù tỷ giá USD/VND vừa được điều chỉnh tăng thêm 1% đã hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu, nhưng theo nhiều DN trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu, nhất là ngành thủy sản thì biên độ tăng mới đây của tỷ giá vẫn chưa đủ để bù đắp sự mất giá mạnh của đồng euro và đồng yên Nhật trong thời gian qua.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đối với xuất khẩu thủy sản thì châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường chính. Trong thời gian qua, khi đồng USD tăng giá thì euro và yên Nhật lại giảm giá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến các DN xuất khẩu thủy sản. Các nhà nhập khẩu tại thị trường châu Âu, Nhật Bản hạ giá mua khiến cho DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu. Đó cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu giảm xuống trong quý I/2015.
Trên bình diện tổng thể, xuất khẩu thủy sản cả nước trong những tháng đầu năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm qua, cả về số lượng và giá trị. Thống kê của VASEP cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, Mỹ luôn duy trì vị trí dẫn đầu, thường chiếm trên 18% trong tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua tại thị trường này, việc các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang phải chịu áp lực từ thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (POR8) đối với tôm và (POR10) đối với cá tra ở mức cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh.
Còn đối với thị trường châu Âu (chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), Nhật Bản (chiếm 14%), theo ông Hòe, do biến động tỷ giá, đồng euro và đồng yên Nhật giảm mạnh đã khiến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trở nên đắt đỏ hơn. Chính điều này đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trên. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu đã giảm 10%, sang Nhật Bản giảm 14,5% trong quý I/2015.
Do các sản phẩm của CTCP Gò Đàng (Godaco) chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu nên theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty, Godaco nhìn thấy rất rõ ảnh hưởng của việc đồng euro giảm mạnh tới xuất khẩu thủy sản. Với việc đồng euro tuột giá khoảng 20 - 25% so với USD trong 3 tháng vừa qua, nếu như hàng thủy sản Việt Nam vẫn giữ nguyên giá bán thì tức là giá cũng sẽ cao hơn trước đây từ 20 - 25%. Chính vì thực tế này, giá bán của thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu buộc lòng phải giảm từ 10 - 15% kể từ đầu năm 2015 đến nay.
Lãnh đạo một DN chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng cũng cho hay, không chỉ riêng đồng euro, tiền tệ của tất cả các thị trường chính của xuất khẩu Việt Nam như Nhật, Nga, Úc, Hàn Quốc, Anh… đều mất giá so với đồng USD. Hiện nay, đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới phá giá đồng tiền của mình nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu.
Cũng bởi vậy, hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào các thị trường trên trở nên đắt đỏ hơn khi giá bán bằng USD không đổi. Nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã yêu cầu DN xuất khẩu Việt Nam giảm giá bán, nếu không họ sẽ ngưng mua hàng, đẩy DN xuất khẩu vào thế khó. Điều này cũng lý giải vì sao giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I/2015 sụt giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bốn DN thủy sản niêm yết lần lượt là ABT, AGF, ACL, AAM cũng cho biết, lợi nhuận quý I sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm sút mạnh nhất thuộc về CTCP Thủy sản MeKong (AMM) khi lãi ròng chỉ đạt gần 657 triệu đồng, giảm 65,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, nếu tình trạng mất giá của đồng euro và yên Nhật so với USD kéo dài trong thời gian tới chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đáng nói là đồng USD đã tăng cao so với tiền tệ của các nước khác trong khi tỷ giá USD/VND lại được kiểm soát về biên độ và đã tăng hết “room” Ngân hàng Nhà nước cam kết trong năm nay.
Vì vậy, nếu hàng xuất khẩu sang các nước này phải tiếp tục hạ thêm giá bán thì DN Việt Nam sẽ không có lợi nhuận. Điều này dẫn tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hai thị trường chính EU và Nhật vốn đã sụt giảm từ năm trước nay lại càng khó khăn hơn.
Tình hình trên cũng diễn ra đối với các mặt hàng xuất khẩu khác, trong đó có dệt may. Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn 3 cho rằng, các DN dệt may xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ thiệt thòi lớn khi euro giảm giá mạnh so với đồng USD. “Chẳng hạn, một sản phẩm trước đây có giá 5 USD thì hiện chỉ còn khoảng 4,5 - 4,8 USD”, ông Hồng nói.
Với các DN xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được trả bằng đồng USD, nhưng bán hàng ra thu về bằng đồng euro, tình hình lại càng khó khăn. Mặc dù chỉ gia công mặt hàng da giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát cũng cho biết, khi đồng euro mất giá, các khách hàng gặp khó khăn và họ đã kỳ kèo giảm giá gia công trên dưới 5%. Để các đơn hàng không bị ảnh hưởng, Công ty buộc phải cân nhắc khi chào giá, để đảm bảo đủ việc làm cho công nhân.