Áp lực vẫn hiện hữu, dù USD suy yếu
Tỷ giá trung tâm ngày 3/7/2025 tiếp tục lập kỷ lục ở mức 25.091 đồng/USD - cao nhất từ trước tới nay, tăng 12 đồng/USD so mức niêm yết một ngày trước đó. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.836-26.346 đồng/USD.
Các ngân hàng cũng tăng mạnh giá USD thêm 22 đồng/USD, lên mức cao lịch sử. Chẳng hạn, Vietcombank niêm yết giá mua vào là 25.955-25.985 đồng/USD, bán ra là 26.345 đồng/USD. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp giá mua - bán USD trong nước, với mức nâng đáng kể đến 90 đồng/USD được ghi nhận tại Sacombank. Các ngân hàng còn lại cũng đồng loạt tăng thêm từ 12-55 đồng/USD so với mức niêm yết của các phiên trước. Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, tính đến ngày 24/6/2025, VND mất giá 2,6-3% trên thị trường chính thức và 2,2% trên thị trường tự do.
Trong khi đó, giá USD thế giới tiếp tục giảm nhẹ. Chỉ số USD-Index giảm 0,1 điểm xuống 96,4 điểm trong ngày 3/7/2025 bởi các dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào thứ Ba (ngày 1/7/2025) dự kiến sẽ làm tăng khoản nợ quốc gia thêm 3.300 tỷ USD. Cuộc tranh luận về dự luật này đã được chuyển trở lại Hạ viện. Trong khi đó, ông Trump vừa thông báo, Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, qua đó giảm mức thuế quan dự kiến và có thể thúc đẩy các quốc gia khác đạt được các thỏa thuận tương tự về thuế trước hạn chót ngày 9/7/2025 - thời điểm các mức thuế cao hơn sẽ bắt đầu có hiệu lực.
VND dự báo tiếp tục dao động ở vùng giá yếu đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025, VND có thể bắt đầu phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2025 của Mỹ được công bố cũng thấp hơn so với dự báo. Theo đó, CPI của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 5, thấp hơn so với mức dự báo 0,2% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,4% - khớp với dự đoán. CPI lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,1% vào tháng 5/2025 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả 2 con số đều thấp hơn mức dự báo lần lượt là 0,3% và 2,9%. Đây được coi là thước đo lạm phát quan trọng của Fed. Vì vậy, nhà đầu tư dự báo xác suất 80% Fed sẽ hạ lãi suất đợt đầu tiên vào tháng 9 tới và đợt thứ hai sớm nhất là vào tháng 10, so với dự báo là tháng 12/2025. Trên thị trường thế giới, giá “đồng bạc xanh” giảm mạnh trước những ảnh hưởng từ kỳ vọng Fed giảm lãi suất, căng thẳng địa chính trị... Sự suy yếu này chủ yếu đến từ lo ngại tăng trưởng kinh tế và chính sách thương mại từ Mỹ.
Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đưa ra nhận định, tỷ giá VND hiện vẫn chịu sức ép khi giá USD trong nước có diễn biến ngược với giá thế giới, bất chấp chỉ số USD-Index đã giảm hơn 8% từ đầu năm đến nay. Áp lực chủ yếu đến từ nhu cầu USD tăng mạnh theo mùa vụ, thường rơi vào quý III và IV hàng năm.
Trước thời điểm các chính sách thuế quan mới dự kiến có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự gia tăng đột biến. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tăng 14%, trong khi nhập khẩu tăng tới 17%, khiến cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu. Diễn biến này dẫn đến nhu cầu tích trữ USD tăng vọt từ phía doanh nghiệp, góp phần lý giải vì sao tỷ giá trong nước lại diễn biến ngược chiều thế giới.
Thêm vào đó, Mỹ đã tham chiến ở Iran, làm dấy lên nhiều lo ngại về xung đột Israel - Iran đẩy giá dầu tăng mạnh, thậm chí nhiều tổ chức đã dự báo giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng, khiến lạm phát leo thang. Chỉ số CPI trong 5 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức thấp chủ yếu nhờ giá dầu giảm. Nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc duy trì một chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, dẫn tới môi trường lãi suất thấp như hiện nay khó có thể duy trì. Đây sẽ là thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm đối với nhà quản lý trước những diễn biến khó lường tác động đến kinh tế...
Cân bằng lãi suất và tỷ giá
Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Fed không tăng lãi suất USD thì Việt Nam vẫn đối mặt với áp lực tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất điều hành sẽ được cơ quan quản lý giữ ở mức 4%/năm như hiện nay.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra nhận định, việc chỉ số USD-Index giảm đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn đang duy trì ở mức cao, cho thấy áp lực này còn hiện hữu. Bên cạnh đó, tỷ giá có xu hướng mang tính mùa vụ. Trong giai đoạn hiện tại, tỷ giá có thể giảm, nhưng dự báo bắt đầu tăng trở lại vào khoảng tháng 8-9/2025, nên cần theo dõi thêm kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam.
Thực tế, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiết kiệm chi phí, song cũng cần cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Đáng chú ý là khi Fed chưa vội giảm lãi suất, chính sách tiền tệ trong nước khó nới lỏng thêm do hàng rào tỷ giá.
Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 19/6/2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế mở và nhiều biến động, NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát thực tiễn, sử dụng công cụ phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ vững thị trường tiền tệ - ngoại hối. Vì vậy, giới phân tích tài chính nhận định rằng, động thái phát hành tín phiếu trở lại trong thời gian gần đây của NHNN là một trong những biện pháp điều hành linh hoạt nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, góp phần ổn định thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Việc phát hành tín phiếu không chỉ giúp hút tiền tạm thời ra khỏi thị trường, mà còn phát đi tín hiệu về sự thận trọng của NHNN trước biến động vĩ mô.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, động thái đảo chiều bơm ròng ngay sau 2 phiên hút ròng cho thấy NHNN ưu tiên hỗ trợ cân bằng thanh khoản ngắn hạn, tránh gián đoạn dòng vốn sản xuất - kinh doanh, tức là không phải chính sách tiền tệ quay đầu, mà là linh hoạt theo nhịp thở thị trường.
Cụ thể, trong phiên giao dịch 30/6/2025, NHNN tiếp tục bơm lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, NHNN cung ứng cho 16 thành viên thị trường với số tiền 33.055 tỷ đồng, với kỳ hạn 7 ngày; 8 thành viên với số tiền gần 19.020 tỷ đồng tại kỳ hạn 14 ngày và 1 thành viên với số tiền hơn 829 tỷ đồng tại kỳ hạn 91 ngày. Tổng cộng, NHNN đã cung cấp cho hệ thống ngân hàng vay hơn 52.904 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên này. Lãi suất trúng thầu đều ở mức 4%/năm. Trước đó, ngày 24/6/2025, NHNN đã mở lại kênh tín phiếu sau gần 4 tháng tạm ngưng. Tổng cộng từ ngày 24-30/6/2025, NHNN đã bơm ròng ra thị trường 94.558 tỷ đồng.
Dự báo về xu hướng tỷ giá nửa cuối năm 2025, ông Huy cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng ở mức kiểm soát được nếu Fed chính thức giảm lãi suất trong tháng 9 và 12/2025. Bên cạnh đó, xuất khẩu kỳ vọng phục hồi, đặc biệt từ khối doanh nghiệp FDI. Như vậy, NHNN có thể tiếp tục linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ bằng công cụ phái sinh, hoán đổi ngoại tệ và tín phiếu.
Trong báo cáo công bố ngày 9/6/2025, UOB cho biết, tính từ đầu quý II đến nay, VND đã mất giá 1,8% - chạm mức thấp kỷ lục mới khoảng 26.000 đồng/USD. Sự suy yếu này chủ yếu xuất phát từ triển vọng kinh tế kém tích cực cùng với rủi ro gia tăng về khả năng Mỹ tái áp mức thuế 46% nếu các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Việt không đạt được tiến triển rõ rệt. Những yếu tố này dự kiến tiếp tục tạo áp lực lên VND trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia UOB, lạm phát tại Việt Nam đã phần nào hạ nhiệt, ở mức khoảng 3,1% so với cùng kỳ trong cả tháng 3 và 4/2025, giảm so với mức trung bình 3,6% trong năm 2024 và 3,26% trong năm 2023, đồng thời vẫn thấp hơn mục tiêu 4,5%. Bối cảnh lạm phát ôn hòa, trong khi căng thẳng thương mại toàn cầu và bất định về thuế quan gia tăng, mở ra khả năng NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, không giống như một số thị trường trong khu vực, sự suy yếu hiện tại của tỷ giá đồng Việt Nam là yếu tố khiến NHNN phải cân nhắc. Trong bối cảnh hiện nay, UOB dự báo, NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%/năm.
Về tỷ giá, nhận định của UOB cho rằng, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu. UOB dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ “hạ nhiệt” dần, đạt mức 26.300 đồng/USD trong quý III/2025; 26.100 đồng/USD trong quý IV/2025; 25.900 đồng/USD trong quý I/2026 và 25.700 đồng/USD trong quý II/2026.
Biến động của thị trường vàng cũng phần nào liên quan đến lộ trình giảm lãi suất của Fed
|
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam |
Không chỉ tỷ giá, biến động của thị trường vàng cũng phần nào liên quan đến lộ trình giảm lãi suất của Fed trong nửa còn lại của năm 2025. Thời gian qua, dựa vào tình hình kinh tế Mỹ, Fed còn kiềm chế lãi suất, chưa cắt giảm thêm, song với sự quyết liệt của Tổng thống Donal Trump thì khả năng Chủ tịch Fed khó có thể duy trì lãi suất USD trong thời gian dài hơn, mà khả năng sẽ cắt giảm thêm 1-2 lần trong thời gian còn lại của 2025. Thị trường cũng dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9/2025 thêm 1-2 lần trong năm. Một khi điều này xảy ra sẽ khiến sức khỏe “đồng bạc xanh” suy yếu và điều này tác động tích cực lên vàng cũng như làm giảm áp lực tỷ giá.
Bên cạnh đó, động thái các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mua vàng ở mức khoảng 1.000 tấn/năm cũng là yếu tố tác động tích cực lên giá kim loại quý này trong thời gian tới. Theo đó, giá vàng dự báo có thể tăng lên mức 3.700-4.000 USD/ounce. Đáng chú ý, vào quý III-IV hàng năm, nhu cầu vàng vật chất và vàng nữ trang thường tăng mạnh, thị trường kỳ vọng lớn và khả năng Fed giảm thêm lãi suất càng rộng mở.
Cần tăng cường vai trò công cụ thị trường trong điều hành chính sách tiền tệ
|
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM |
Việc tỷ giá tăng nóng thời gian gần đây xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất lớn giữa Việt Nam - Mỹ và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.
Cụ thể, việc Fed duy trì lãi suất cao, đồng USD trở nên hấp dẫn hơn và duy trì giá trị mạnh, từ đó tạo ra áp lực tăng tỷ giá VND. Trong khi đó, Việt Nam lại đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất lớn giữa Việt Nam và Mỹ (bao gồm phần bù rủi ro tỷ giá). Hiện lãi suất trong nước vào khoảng 4-5%/năm, tương đương với mức lãi suất tại Mỹ, nhưng kỳ vọng mất giá của VND so với USD lại khá cao, khoảng 4-5% mỗi năm. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn nhà đầu tư Mỹ, dù gửi tiền tại Việt Nam với lãi suất tương đương nước sở tại cũng khó cảm thấy hài lòng. Bởi nếu quy đổi từ VND sang USD thì sẽ bị mất giá, thậm chí lợi nhuận thực tế có thể âm, trong khi đầu tư tại Mỹ cùng mức lãi suất mang lại lợi nhuận dương.
Về các yếu tố bên ngoài như căng thẳng từ thuế quan, bất ổn địa chính trị… cũng tác động đến tỷ giá trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam dường như đang chấp nhận đánh đổi ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Đây là một định hướng chính sách đã được cân nhắc từ đầu năm. Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian tới là quyết định của Mỹ về mức thuế áp lên Việt Nam.
Độ trễ của chính sách tiền tệ vẫn còn lớn, song cũng cần lưu ý rằng, độ trễ này không chỉ xuất phát từ động thái nhà điều hành, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Việt Nam đang sử dụng kết hợp giữa công cụ thị trường và các biện pháp hành chính như hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, cần tăng cường vai trò của công cụ thị trường, tiến tới giảm dần và loại bỏ công cụ hành chính. Khi các công cụ thị trường như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… được vận hành hiệu quả, hệ thống sẽ linh hoạt hơn và phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo chính sách cũng là yếu tố then chốt giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả.
Từ nay đến cuối năm, cán cân vẫn nghiêng nhẹ về phía USD tiếp tục suy yếu ở mức vừa phải
|
TSKH. Mathew Shafaghi, Nghiên cứu, quản lý và phát triển giáo dục chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Anh Quốc |
Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát hạ nhiệt. Việc giảm lãi suất USD của Fed thường tạo áp lực giảm giá lên đồng tiền này. Tuy nhiên, nếu các biện pháp thuế quan làm tăng lạm phát, Fed có thể thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất USD, từ đó làm chậm đà mất giá của “đồng bạc xanh”. Ngược lại, nếu thuế quan gây tổn hại đến tăng trưởng nhiều hơn là thúc đẩy lạm phát, Fed có thể đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ khiến USD suy yếu.
Tóm lại, thuế quan sẽ đóng vai trò như một nhân tố đối trọng ngắn hạn đối với xu hướng nới lỏng tiền tệ. Trong khi lộ trình cắt giảm lãi suất thiên về xu hướng làm suy yếu đồng đô-la Mỹ, các biện pháp thuế quan có thể đủ sức tạo ra lạm phát và rủi ro địa chính trị làm trì hoãn quyết định của Fed hoặc thúc đẩy dòng vốn trú ẩn vào USD. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, cán cân vẫn nghiêng nhẹ về phía đồng đô-la Mỹ tiếp tục suy yếu ở mức vừa phải, trừ khi các biện pháp thuế quan trở nên quá mức hoặc gây gián đoạn mạnh.
Nếu Fed thực hiện cắt giảm lãi suất theo đúng lộ trình, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NHNN cân nhắc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, củng cố niềm tin cho NHNN trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nội địa. Nếu lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát và áp lực lạm phát từ bên ngoài dịu đi nhờ môi trường lãi suất toàn cầu thấp, NHNN sẽ có vị thế tốt hơn để cắt giảm lãi suất mà không ảnh hưởng đến ổn định tỷ giá. Đồng thời, lãi suất VND trong nước thấp hơn sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ quá trình phục hồi cũng như chuyển đổi cấu trúc sau đại dịch, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Song, cần theo dõi sát sao lạm phát nhập khẩu, nhất là giá năng lượng và thực phẩm vốn nhạy cảm với biến động tỷ giá. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, việc Fed có lập trường ôn hòa hơn sẽ giúp cải thiện nhu cầu toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tỷ giá VND sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố gồm chính sách tiền tệ của Fed và biến động USD, chính sách thuế và thương mại quốc tế, hoạt động can thiệp ngoại hối, dự trữ ngoại hối của NHNN cũng như các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tỷ giá dự báo có thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian còn lại của năm, tiệm cận vùng 26.300-26.400 đồng/USD vào quý IV/2025, với dự báo tỷ giá trung tâm ở mức khoảng 26.350 đồng/USD. Dù vậy, các rủi ro như đồng USD mạnh lên hoặc căng thẳng thương mại có thể đẩy tỷ giá tăng lên, trong khi chính sách ôn hòa hơn từ Fed và tín hiệu tích cực từ thương mại toàn cầu có thể giới hạn mức tăng quanh ngưỡng 26.000 đồng/USD.
Việt Nam sẽ có thêm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ nếu Fed cắt giảm lãi suất
|
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam |
Nếu Fed cắt giảm lãi suất 2-3 lần trong nửa cuối năm nay sẽ là cơ hội để các thị trường mới nổi như Việt Nam có thêm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất có thể giúp ổn định tỷ giá VND, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vẫn cần duy trì mức lãi suất cao hơn Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, dự báo đến hết quý III/2025, tỷ giá sẽ dao động khoảng 25.600–26.000 đồng/USD.
Lý do là khi chưa có sự chắc chắn trong vấn đề thuế quan, việc để VND mạnh lên không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế trong nước. Dù vậy, trong quá trình đàm phán, Mỹ sẽ yêu cầu Việt Nam để đồng VND tăng giá. Điều này có thể dẫn đến các đợt giảm mạnh bất ngờ của tỷ giá USD/VND. Sang quý IV/2025, sự chú ý của thị trường có thể chuyển hướng sang việc tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và mức độ căng thẳng thuế quan giảm đi. Khi đó, đồng USD có thể suy yếu và tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.000-25.600 đồng/USD quý IV/2025.