
Biến động trên thị trường ngoại hối những tháng đầu năm 2025 có gì khác thường, hay phản ánh đúng diễn biến tình hình trong nước và quốc tế?
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng dao động trong biên độ tương đối hẹp, khoảng 0,5 - 0,7% trong khoảng một tháng gần đây. Tính tới tuần thứ ba của tháng 6, tỷ giá tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở ngưỡng 26.180 đồng/USD, tương đương mức mất giá khoảng 0,6% so với USD. Tính chung từ đầu năm tới nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,7% so với “đồng bạc xanh”, bất chấp bối cảnh USD sụt giảm khoảng 8,7% so với đầu năm. Giải thích cho diễn biến này, có thể nhắc tới một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, với việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp chính sách thuế quan lên các đối tác thương mại vào ngày 2/4/2025, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, với thương mại và xuất nhập khẩu là một trong những trụ cột chính trong mô hình tăng trưởng kinh tế, việc bị áp thuế cao (nếu xảy ra) sẽ có tác động không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng cũng như sức mạnh đồng tiền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những diễn biến căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông gần đây đã tác động lên giá xăng dầu và nếu giá mặt hàng này tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, lạm phát, thương mại, vận tải và du lịch ở trong nước. Với bối cảnh đó, một số nhà đầu tư đã tìm cách trú ẩn vào những tài sản an toàn, trong đó có trái phiếu chính phủ và đồng tiền của các nước phát triển, bao gồm cả trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD.
Thứ hai, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán. Tính chung từ đầu năm 2025, khối ngoại đã bán ròng khoảng 1,6 tỷ USD, đưa mức bán ròng trong 12 tháng trở lại đây lên khoảng 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, do những quan ngại về sự bất định trong chính sách thương mại của Mỹ, dòng vốn mua trả cổ tức trả về nước của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đến nhiều và sớm hơn trong năm nay.
Thứ ba, nếu nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,67 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu khoảng 8 tỷ USD - đã phản ánh rõ đà chậm lại của tăng trưởng thương mại, cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ.
Cuối cùng, sự khác biệt trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang ở trạng thái chờ đợi các tín hiệu rõ ràng từ dữ liệu vĩ mô, còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Do đó, chênh lệch lãi suất VND - USD tiếp tục duy trì ở mức cao kể từ đầu năm tới nay.
Các yếu tố trên đã gây sức ép đáng kể lên tỷ giá và làm suy yếu đáng kể đà giảm của cặp tỷ giá USD-VND ngay cả khi USD suy yếu mạnh trên thị trường quốc tế.
![]() |
Từ đầu năm tới nay, tiền đồng mất giá khoảng 2,7% so với USD, bất chấp “đồng bạc xanh” đã sụt giảm khoảng 8,7% |
Dự báo của ông về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed thời gian tới và lộ trình này sẽ tác động ra sao tới tỷ giá USD/VND?
Fed đã giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,25-4,5%/năm lần thứ tư vào kỳ họp tuần trước. Mức thuế quan lớn hơn dự kiến được áp dụng trong những tháng gần đây tạo ra sự phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách của Fed, vì rủi ro thất nghiệp và lạm phát cao hơn có thể đòi hỏi các phản ứng chính sách khác nhau.
Cân nhắc về các kịch bản giữa tăng trưởng và lạm phát trong tương lai, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC duy trì dự báo Fed sẽ không cắt giảm lãi suất quá 75 điểm cơ bản trong giai đoạn 2025-2026, cụ thể là có 2 lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12, trước khi thêm giảm thêm 1 lần vào tháng 3/2026.
một chiến lược tỷ giá tập trung vào ổn định biên lợi nhuận, thay vì chạy theo dự báo của thị trường có thể sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn qua thời gian.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua các công cụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát trong nước thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra, Ngân hàng Nhà nước còn dư địa hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho kinh tế vĩ mô, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn rất khó lường.
Do vậy, sự khác biệt về chính sách điều hành giữa Mỹ và Việt Nam còn khá rõ nét, khiến chênh lệch lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, từ đó gây sức ép lên tỷ giá trong năm nay.
Trước biến động của tỷ giá và lãi suất, các doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào?
Rủi ro ngoại hối có thể xảy ra đột ngột, gây xói mòn biên lợi nhuận và làm nhiễu các dự báo, kể cả với những đồng tiền ổn định. Nếu không có giải pháp phòng ngừa tự nhiên giữa các loại tiền tệ, biến động tỷ giá có thể gây ra sự thay đổi mạnh và đột ngột về lợi nhuận. Với những doanh nghiệp có biên lợi nhuận hẹp hoặc chu kỳ hợp đồng dài, những biến động như vậy có thể dẫn đến chênh lệch lớn giữa lãi và lỗ.
Giải pháp để quản lý rủi ro biến động tỷ giá bao gồm giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng theo tỷ giá được xác định trong tương lai, là công cụ phòng ngừa rủi ro tiền tệ phổ biến nhất, ấn định tỷ giá tại thời điểm giao dịch mà không cần quan tâm đến điều khoản thanh toán.
Điều quan trọng là cần xem lại toàn bộ chiến lược tỷ giá của doanh nghiệp. Nếu không, các giải pháp phòng ngừa riêng lẻ thường tốn kém, trong khi một chiến lược tỷ giá nghiêm túc tập trung vào ổn định biên lợi nhuận, thay vì chạy theo dự báo của thị trường, sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn qua thời gian.