Mặc dù cũng có những “khoảng lặng”, song nhìn chung, tỷ giá những tháng đầu năm có xu hướng tăng khá rõ nét.
Trong Báo cáo tình hình kinh tế quý I/2017 vừa được công bố mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó liên tục tăng từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận với mức trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.
Tỷ giá thị trường tự do trong nửa đầu tháng 2 có thời điểm tăng đột biến, lên trên mức 23.000 đồng/USD, nhưng cũng nhanh chóng “hạ nhiệt” sau đó và hiện bám khá sát với tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Việc mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016
Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tháng 4. Cụ thể, ngày 10/4/2017, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, lên mức 2.316 đồng/USD, các ngân hàng thương mại niêm yết giá bán ra USD trong khoảng 22.710-22.720 đồng/USD. So với thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm đã tăng 157 đồng (tương ứng tăng khoảng 0,7%).
Một trong những nguyên nhân đẩy tỷ giá tăng chính là động thái thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi ngày 15/3 vừa qua, cơ quan này chính thức tăng lãi suất USD thêm 25 điểm cơ bản, lên khoảng 0,75-1%.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của Fed trong vòng 3 tháng qua, đồng thời tuyên bố sẽ còn tăng tiếp 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Điều đó đã đẩy đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá mạnh.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất với dự báo, đồng USD sẽ còn mạnh lên nhờ kỳ vọng Fed tăng lãi suất, qua đó tạo sức ép đến tỷ giá trong nước.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, động thái từ Fed chỉ là một phần, sức ép chủ yếu lên tỷ giá năm nay là do cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn so với năm trước, do cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao.
“Trong quý I/2017, tỷ giá biến động mạnh chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung 3 tháng đầu năm, nhập siêu ước đạt 1,9 tỷ USD, bằng 4,4% kim ngạch xuất khẩu”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động, khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, việc lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đứng ở mức thấp cũng khiến tỷ giá chịu nhiều sức ép. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, mức tăng tỷ giá của cả năm 2016 là 1,18%, nhưng việc tỷ giá tăng tới 2,5% so với cuối năm 2015 chỉ trong chưa đầy 2 tuần cuối tháng 11/2016 là vấn đề cần lưu ý.
Nguyên do của vấn đề này cũng được Báo cáo chỉ rõ, đó là lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 hầu như không trung hòa, khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục (lãi suất qua đêm xuống dưới 1%, điểm hoán đổi (swap point) nhiều lúc xấp xỉ bằng 0) đã khuyến khích các tổ chức tín dụng tích trữ ngoại tệ (thể hiện qua trạng thái ngoại tệ liên tục ở mức dương cao) và tình trạng làm giá đẩy tỷ giá tăng nhanh có thể xảy ra ngay khi xuất hiện các yếu tố bất lợi.
Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc để lãi suất VND liên ngân hàng quá thấp trong thời gian qua đã làm mất đi vai trò định hướng và dẫn dắt vùng tỷ giá mục tiêu của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Nên theo cơ quan này, lãi suất liên ngân hàng cần giữ ở mức hợp lý hơn. Bởi nếu lãi suất VND liên ngân hàng không thể hiện được vai trò dẫn dắt và định hướng, tỷ giá trung tâm không thể hiện được vai trò chỉ báo, thì tâm lý đầu cơ (bước đầu đã được xóa bỏ sau khi thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm) sẽ dần hình thành trở lại trên thị trường.
Theo đó, mỗi khi kỳ vọng Fed điều chỉnh lãi suất, chỉ số USD trên thị trường quốc tế tăng nhanh, thì tỷ giá liên ngân hàng sẽ “nổi sóng”, thị trường ngoại hối sẽ khó kiểm soát, những biến động tỷ giá như trong 2 tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh Fed dự kiến còn tăng thêm 2 đợt lãi suất trong năm nay.
Chưa hết, lạm phát trong nước đang có xu hướng tăng cao trở lại, cũng tạo áp lực lớn đến tỷ giá và làm xói mòn niềm tin vào đồng nội tệ. Ngoài sự biến động của đồng USD, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến nghị, cần lưu ý đến diễn biến của đồng Nhân dân tệ.
“Việc mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc”, một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết.
Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 3/2017, NHNN cho biết, với các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, tỷ giá thời gian qua diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong điều hành, NHNN vẫn kiên trì với chủ trương điều hành tỷ giá trung tâm, kết hợp điều tiết nghiệp vụ thị trường mở một cách linh hoạt, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý, nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ đó, tỷ giá vẫn được giữ ổn định và bắt đầu giảm từ giữa tháng 3.