Tỷ giá chịu áp lực ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những áp lực hiện hữu lên tỷ giá là tương đối rõ ràng, nhưng trong trung và dài hạn, VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại.
Chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ hiện ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Dũng Minh Chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ hiện ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Dũng Minh

Nguồn ngoại tệ từ du lịch giảm

Dẫn gia đình vị khách người Việt đến một khu nghỉ dưỡng 5 sao tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chị Thanh Anh, chủ của một công ty du lịch tại TP. Hội An cho biết, khu nghỉ dưỡng được xây dựng với mục tiêu chính là đón charter flight từ Đức (là các chuyến “bay thuê” được công ty du lịch thuê trọn gói dịch vụ bay để phục vụ cho các dịch vụ lữ hành). Tuy nhiên, đi vào vận hành năm 2020 đúng thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành nên khu nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2022, khách nước ngoài bùng nổ đi du lịch sau một thời gian bị kìm hãm bởi đại dịch, nhưng niềm vui không kéo dài sang năm 2023. Tháng 7 và 8 hàng năm, công ty du lịch thường nhận xong đặt chỗ của khách cho thời vụ của năm bắt đầu từ tháng 10, kéo dài tới tháng 4 năm sau, nhưng đến thời điểm hiện tại có thể nói là “bể show”. Khách đặt chỗ rất thưa thớt do khó khăn về kinh tế và xung đột ở châu Âu dẫn đến hạn chế chi tiêu… Vấn đề này được những người điều hành khu nghỉ dưỡng dự liệu từ trước nên đã đẩy mạnh thị trường nội địa và đây là một trong những lý do khách du lịch trong nước có cơ hội sử dụng dịch vụ chuẩn 5 sao của quốc tế với mức giá rất mềm”, chị Thanh Anh nói và chia sẻ, ban điều hành vừa họp bàn về phương án cầm cự cho hơn 40 nhân sự trong công ty để đi qua mùa cao điểm du lịch của khách nước ngoài những tưởng nguồn doanh thu sẽ tăng lên nhưng thực tế cho thấy khá u ám.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét, du lịch, ngành công nghiệp không khói, một trong những kênh chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ cho Việt Nam đang hạn hẹp dần.

Sau năm 2022 phải bán một lượng dự trữ ngoại tệ lớn để ổn định thị trường ngoại hối, trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ để bù đắp phần thâm hụt vốn đã giảm dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi thấp hơn 3 tháng nhập khẩu. Mặc dù vậy, tỷ giá vẫn có những thời điểm chịu sức ép tăng cao. Gần đây nhất, áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8, USD/VND chạm mức 23.963 ngày 15/8/2023, tăng 1,7% so với cuối tháng 6 (tính từ đầu năm 2023, tỷ giá tăng khoảng 1,4%).

Số liệu công bố vào tháng 3/2022 cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao kỷ lục, gần 110 tỷ USD. Đến tháng 1/2023, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm còn 88,3 tỷ USD. Công ty xếp hạng tín dụng thuộc Tập đoàn đầu tư Moody's dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam (không kể vàng) có thể phục hồi lên mức 95 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Vẫn còn yếu tố hỗ trợ tỷ giá

Yếu tố hỗ trợ tỷ giá là thặng dư thương mại duy trì mức cao, nguồn FDI và kiều hối ổn định…

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho biết, sự đối lập về chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ là một trong những nguyên nhân tạo áp lực chung cho tỷ giá trong nước. Tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, lạm phát hạ nhiệt nhanh và sự ổn định của thị trường ngoại hối trong những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy ưu tiên chính sách của Việt Nam tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi số liệu kinh tế vẫn tích cực và lạm phát cơ bản chưa giảm về mức mục tiêu khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Trong bối cảnh Fed vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất thì ở phía ngược lại, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, đưa mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lên mức kỷ lục từ trước tới nay. Lãi suất ngoại tệ tiệm cận lãi suất VND cũng là một yếu tố tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá bật tăng trong thời gian qua”, ông Khoa nói.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, 4 yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá trong nửa cuối năm 2023. Một là, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Hai là, sau động thái nâng trần nợ công, Chính phủ Mỹ tăng cường phát hành trái phiếu để bù đắp thiếu hụt ngân sách, qua đó đẩy lãi suất trái phiếu lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Ba là, Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, trong khi đồng tiền này có sự tương quan mạnh mẽ với VND trong quá khứ. Bốn là, lạm phát trong nước có thể gia tăng từ cuối quý III/2023.

Ông Khoa phân tích, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25%/năm vào cuối tháng 7/2023, đúng như các dự đoán trước đó. Lạm phát tháng 7 của Mỹ ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, nhưng đã đi vào lộ trình hạ nhiệt, đồng nghĩa với áp lực giá được xoa dịu. Mặc dù khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định cho đến quý II/2024, tức hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

“Xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn, dẫn đến thặng dư thương mại đáng kể. Cộng thêm nguồn doanh thu từ du lịch đang tăng, vị thế tài khoản vãng lai của Việt Nam được cải thiện. Điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá và mang lại dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ”, ông Khoa nói.

Mặc dù quan ngại về những sức ép lên tỷ giá, nhưng ông Hinh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm thặng dư thương mại duy trì mức cao, nguồn FDI và kiều hối ổn định. Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Ông Khoa nhìn nhận, biến động tăng đột biến của tỷ giá USD/VND chỉ mang tính chất ngắn hạn. Những áp lực hiện hữu lên tỷ giá là tương đối rõ ràng, nhưng trong trung và dài hạn, VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại.

Thứ nhất, trên thị trường quốc tế, đồng USD được dự báo sẽ suy yếu trong những tháng cuối năm 2023, trong bối cảnh Fed đang ở cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Thứ hai, những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực. Chẳng hạn, thương mại chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sụt giảm đơn hàng, nhưng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Hay vốn FDI thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Trong khi đó, những nỗ lực của Chính phủ để hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khoá trên diện rộng có thể giúp xây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác, cũng như tạo ra kết quả tích cực. Đây là những cơ sở để có thể tin tưởng vào việc tỷ giá sẽ ổn định trở lại trong thời gian sắp tới, theo đó, HSBC giữ nguyên dự báo mức tỷ giá bình quân 23.450 cuối quý III và 23.350 vào cuối năm nay”, ông Khoa nói.

“Nhìn chung, tỷ giá có thể biến động mạnh vào cuối năm 2023, nhưng sẽ tăng không quá 2% so với đầu năm. Tôi tin rằng, mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (dưới 3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu) và ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp”, ông Hinh nói.

Tỷ giá USD/VND ngày 23/8/2023 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.237, tăng 15 đồng so với mức công bố trước đó. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.540 VND/USD, tỷ giá trần là 23.934 VND/USD.

Giá mua - bán USD được Vietcombank niêm yết ở mức 23.240 - 23.550 đồng/USD; tại BIDV là 23.270 - 23.550 đồng/USD; tại Techcombank là 23.269 - 23.555 đồng/USD.

Chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh của đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế tăng 0,76%, lên mức 108,94 điểm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục