Tỷ giá biến động, cơ hội kinh doanh ngoại hối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại các ngân hàng lớn, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối thường tăng khi tỷ giá biến động.
Dẫn đầu nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Ảnh: Dũng Minh Dẫn đầu nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ giá tăng 1,9% so với đầu năm

Trái với kỳ vọng ban đầu, thị trường ngoại hối Việt Nam trong tháng 8/2023 biến động khi đồng USD mạnh lên đã gây áp lực đến tỷ giá USD/VND, kéo tỷ giá liên ngân hàng lên mức 24.073 vào ngày 5/9, tăng 1,6% so với cuối tháng 7 và tăng 1,9% so với đầu năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của BIDV cho biết, nếu so sánh với đợt tăng trong tháng 7 thì đợt tăng trong tháng 8 có nhiều điểm tương đồng, áp lực gia tăng cả từ môi trường quốc tế và môi trường trong nước. Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số đồng USD (DXY) tăng khoảng 1,7%, lên mức 104, trong khi tỷ giá USD/CNY tăng mạnh lên vùng 7,25 - 7,30, kéo theo đà mất giá của một số đồng tiền trong khu vực châu Á, với mức mất giá từ 1 - 4%.

Ở trong nước, chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm và 1 tuần ở mức âm sâu kỷ lục (lãi vay VND thấp hơn nhiều lãi vay USD), âm hơn 4%/năm, qua đó kích hoạt nhu cầu mua kỳ hạn nhằm bảo hiểm rủi ro của thị trường trong giai đoạn tỷ giá tăng. Cân đối cung - cầu ngoại tệ trong tháng 8 chuyển dịch tiêu cực hơn.

“Mặc dù nguồn cung được bổ sung từ các dòng tiền cơ bản như cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khoảng 3,8 tỷ USD, giao dịch bán vốn của VPBank đạt khoảng 1,3 tỷ USD, song nhu cầu ngoại tệ kỳ hạn gia tăng mạnh mẽ đã gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong thời điểm giữa tháng 8”, vị lãnh đạo BIDV nhận xét.

Tại các ngân hàng lớn, lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng không nhỏ. Vậy tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận mảng kinh doanh này?

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Tỷ giá biến động thì lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối sẽ tăng. Nếu tỷ giá giằng co thì thị trường ngoại hối khó phán đoán nên lợi nhuận thường giảm”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lấy ví dụ, thời điểm cuối năm, trên bảng cân đối kế toán của một ngân hàng có 200 triệu USD và phải chuyển sang tiền đồng. Giá ngoại hối thời điểm đó thấp hơn giá mua, ngân hàng phải hạch toán trên bảng cân đối kế toán là lỗ từ kinh doanh ngoại hối, còn nếu giá cao hơn thời điểm mua thì hạch toán trên kết quả kinh doanh lãi từ hoạt động ngoại hối.

“Tuy nhiên, lãi và lỗ mới chỉ là trên sổ sách, vì 200 triệu USD đó chưa bán nhưng ngân hàng phải đóng sổ sách để có bản cân đối kế toán bằng tiền đồng và hạch toán với tỷ giá của ngày hôm đó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, lợi nhuận đến từ kinh doanh ngoại hối là hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, phái sinh và từ hoạt động cho vay. Với giao dịch trong tương lai, giá giao dịch tuỳ theo sự chênh lệch của lãi suất tiền đồng và USD, nói cách khác là phụ thuộc vào biến động của lãi suất nên ngân hàng sẽ hưởng lãi hay bị lỗ.

“Còn khi tỷ giá biến động mạnh theo chiều hướng tăng, giao dịch mua ngay - bán ngay của các ngân hàng dễ dàng có lãi, bởi mua vào giá thấp rồi trong thời gian ngắn bán ra với giá cao. Giao dịch này rất phù hợp với những ngân hàng có dòng tiền mạnh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Kinh doanh ngoại hối lãi lớn

Báo cáo tài chính quý II/2023 của 27 ngân hàng niêm yết và Agribank cho thấy, tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước - gấp hơn 7 lần tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động.

Như thường lệ, các ngân hàng thương mại nhà nước tốp đầu về nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, khi ghi nhận tổng cộng gần 8.300 tỷ đồng lãi thuần trong nửa đầu năm nay, tăng 30% so với cùng kỳ và chiếm 69% tổng lãi thuần toàn ngành (28 ngân hàng).

Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận kinh doanh ngoại hối khi thu về 3.186 tỷ đồng, tăng 6% và chiếm gần 27% lãi thuần toàn ngành; VietinBank đạt 2.349 tỷ đồng, tăng 47% và chiếm gần 20% lãi thuần toàn ngành; BIDV đạt 1.457 tỷ đồng, tăng 20% và chiếm 12% lãi thuần toàn ngành; Agribank đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 125% và chiếm hơn 10% lãi thuần toàn ngành.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự dẫn đầu của Big 4 là nhờ sở hữu thế mạnh sẵn có trong mảng kinh doanh đối ngoại với mạng lưới giao dịch bao phủ rộng ở cả trong nước và nước ngoài, đi cùng yếu tố nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để quyết định cách thức kinh doanh ngoại hối của nhóm Big 4 khi báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Thực tế, với giá bán niêm yết trong nửa đầu năm 2023 thường xuyên cao hơn giá mua 350 - 400 đồng/USD, các ngân hàng có vốn nhà nước có được nguồn thu lớn và ổn định.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước mua vào hơn 6 tỷ USD, góp phần giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động mua - bán ngoại tệ. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên duy trì giá mua USD tại Sở Giao dịch cao hơn 100 - 200 đồng/USD so với giá mua USD mà các ngân hàng áp dụng cho khách hàng. Theo đó, các ngân hàng chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho Ngân hàng Nhà nước thì mức lãi thuần cũng lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Không cùng chiều với lợi nhuận cao và ổn định của nhóm quốc doanh, một số ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank hay VPBank ghi nhận lỗ từ kinh doanh ngoại hối. Nửa đầu năm 2023, VPBank lỗ 557 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này, trong khi Techcombank lỗ 241 tỷ đồng, còn ABBank giảm 30%, MB giảm 26%, MSB giảm 17%... Tuy nhiên, các khoản lỗ kinh doanh ngoại hối của VPBank và Techcombank đều đến từ mảng phái sinh tiền tệ, còn giao dịch mua - bán ngay vẫn lãi hàng trăm tỷ đồng.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho biết, số liệu trên báo cáo tài chính bán niên 2023 cho thấy, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại nhiều ngân hàng thua lỗ, nhưng lãi thực tế từ nguồn vốn ngoại hối vẫn lớn, được hạch toán ở hai nghiệp vụ khác nhau: lỗ ở hoạt động kinh doanh ngoại hối, song lãi từ hoạt động cho vay. Các ngân hàng đều sử dụng nghiệp vụ Swap để hoán đổi USD sang VND, sau đó dùng VND để cho vay các doanh nghiệp.

“Lợi nhuận từ hoạt động cho vay luôn lớn hơn so với mức giảm của tỷ giá USD/VND, nên xét tổng thể, lãi ròng của ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối vẫn lớn”, vị giám đốc phân tích trên nói.

Dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt

Khi tỷ giá biến động mạnh theo chiều hướng tăng, giao dịch mua ngay - bán ngay của các ngân hàng dễ dàng có lãi nhờ mua thấp - bán cao.

Lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có thể diễn biến giằng co trong tháng 9/2023. Bởi lẽ, môi trường quốc tế có nhiều rủi ro với đà tăng của chỉ số DXY và tỷ giá USD/CNY. Các chỉ số vĩ mô gần đây của Mỹ cho thấy triển vọng hạ cánh mềm của kinh tế nước này, đặc biệt khi các số liệu liên quan đến lĩnh vực sản xuất - đầu tư có dấu hiệu hồi phục.

Theo tổ chức Atlanta, tăng trưởng GDP quý III/2023 của Mỹ dự báo lên tới 5,9% và đà tăng của DXY có thể duy trì với ngưỡng kháng cự gần nhất là 105 - 106. Một số tổ chức khác như JP Morgan, HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 và giảm xác suất xảy ra suy thoái trong năm 2024. Theo đó, Fed có thể không tăng lãi suất trong tháng 9/2023 để quan sát thêm về tình hình kinh tế (xác suất hiện tại lên đến 93%, theo CME group).

“Tại Trung Quốc, áp lực mất giá của CNY nhiều khả năng vẫn duy trì trong bối cảnh lo ngại của nhà đầu tư về thị trường bất động sản và triển vọng tăng trưởng ảm đạm của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có động thái can thiệp mạnh mẽ khi tỷ giá USD/CNY tiến đến vùng 7,35 - 7,40”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Ở trong nước, cung - cầu ngoại tệ tháng 9 ước tính ở mức cân bằng. Các nguồn cung cơ bản vẫn khá tích cực như cán cân thương mại dự kiến thặng dư 1,0 - 1,5 tỷ USD, giải ngân FDI đạt 2,8 - 3,0 tỷ USD. Mặc dù nhu cầu ngoại tệ kỳ hạn của khách hàng có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì âm sâu, nhưng kỳ vọng đà tăng sẽ chậm lại khi một lượng lớn đã phần nào được đáp ứng trong tháng 8.

“Tôi vẫn bảo lưu quan điểm, áp lực lên tỷ giá trong năm nay có bản chất khác hoàn toàn năm ngoái. Bối cảnh năm nay có phần thuận lợi hơn, cả từ môi trường quốc tế khi sức mạnh của đồng USD đã bị hạn chế và ở trong nước, cung cầu ngoại tệ trở nên tích cực hơn. Theo đó, xác suất để tỷ giá có những biến động tăng mạnh như năm ngoái là không cao”, vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục