Tỷ giá: Áp lực vẫn chưa được hóa giải

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đang “ủng hộ” cho xu hướng tăng giá của đồng USD so với VND.
Mỹ tăng lãi suất USD là nguyên nhân chính khiến đồng bạc xanh lên giá so với các đồng tiền khác. Ảnh: Dũng Minh Mỹ tăng lãi suất USD là nguyên nhân chính khiến đồng bạc xanh lên giá so với các đồng tiền khác. Ảnh: Dũng Minh

VND mất giá khoảng 2% so với USD

USD, đo lường thông qua chỉ số DXY, tăng mạnh những tuần qua (tăng 1,97%) và các đồng tiền chủ chốt khác mất giá mạnh như EUR (-1,87%), GBP (-1,39%), JPY (-2,7%). Các đồng tiền mới nổi cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh.

Tại Việt Nam, biến động của đồng nội tệ thường có độ trễ so với các đồng tiền khác, do vậy, diễn biến của VND hầu như đi ngang trong các tuần trước.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giảm 0,1%, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại giảm 40 đồng, kết tuần ở mức 22.990/23.300 VND/USD. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đi ngang và hiện giao dịch ở 23.770/23.800 VND/USD.

Áp lực giảm giá của VND vẫn tương đối rõ ràng trong bối cảnh đồng USD tăng giá, thể hiện qua việc USD/VND đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần trước (tăng 0,13%).

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam nhận định, thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục chứng kiến nhiều biến động trong tháng 5.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã có mức tăng mạnh hơn 220 đồng từ mức 22.970 lên mức cao nhất trong năm là 23.190, tương đương mức tăng 1%. Tính chung từ đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 2% so với đồng bạc xanh.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá bán kỳ hạn 200 điểm vào ngày 11/5/2022 lên mức 23.250. Quyết định này một mặt tạo ra mặt bằng giá tham chiếu mới cho thị trường, mặt khác khiến tâm lý thị trường thêm phần thận trọng trước những rủi ro biến động chính sách. Mặc dù vậy, quyết định này của NHNN được đánh giá là cần thiết để đưa tỷ giá lên mức phù hợp với những chuyển dịch của môi trường quốc tế và trong nước.

Tỷ giá USD/VND có thể sẽ cố gắng duy trì được sự ổn định trong năm nay, chứ khó có thể giảm như năm 2021.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam

“Diễn biến này tương đối trái ngược với xu hướng ổn định của những năm trở lại đây, bất chấp việc trong tháng 5, NHNN đã có những biện pháp thay đổi tỷ giá bán hỗ trợ để ổn định thị trường. Lý giải cho xu hướng này, có thể kể đến những yếu tố đến từ thị trường quốc tế”, ông Khoa nói.

Cụ thể, áp lực từ môi trường quốc tế gia tăng do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong tháng 5, chỉ số tiêu dùng CPI và CPI cơ bản của Mỹ lần lượt tăng 8,6% và 6,0% so với cùng kỳ và cao hơn kỳ vọng từ thị trường. Dữ liệu lạm phát tiếp tục tăng sau 2 đợt tăng lãi suất đã ảnh hưởng tới quyết định của Fed trong cuộc họp ngày 15 - 16/6/2022, với quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%/năm, lên mức 1,5 - 1,75%/năm.

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng duy trì thận trọng khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra dai dẳng. Kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh và các lệnh phong tỏa. Theo đó, chỉ số DXY đã có thời điểm tăng lên mức 105 - mức cao nhất trong 20 năm, trong khi tỷ giá USD/CNY cũng có thời điểm tăng khoảng 2%, lên quanh mức 6,7 - 6,8.

Bên cạnh đó, cung cầu ngoại tệ trong nước tiếp tục diễn biến kém thuận lợi khi cán cân thương mại thâm hụt lớn 1,7 tỷ USD.

Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 25,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 xuống còn 18,0% trong tháng 5, trong khi tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục đi ngang với tốc độ 14,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 5 so với tốc độ 16,5% trong tháng 4. Trong khi đó, các nguồn cung cơ bản như đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài hay kiều hối không có nhiều đột biến.

Nhu cầu mua ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro, hay găm giữ ngoại tệ cũng ghi nhận gia tăng mạnh hơn khi tâm lý lo ngại trước những biến động từ cả môi trường quốc tế và trong nước.

“NHNN đã liên tục thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ trong tháng 5 nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường, thông qua hợp đồng bán USD kỳ hạn 3 tháng”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thông tin.

Tỷ giá khó duy trì sự ổn định

Đáng chú ý, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Thống đốc NHNN cho ý kiến về việc chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới đỉnh điểm có lúc gần 20 triệu đồng/lượng, vì cho rằng SJC được NHNN giao cho độc quyền sản xuất vàng miếng là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch trên.

Thống đốc NHNN đã ghi nhận và có chủ trương xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng. Sau những thông báo trên, chênh lệch giá vàng SJC - quốc tế đã giảm chỉ còn 15 triệu đồng/lượng.

Tình trạng buôn lậu vàng từ đầu năm đến nay ngày càng “nóng” khi giá vàng trong nước cao so với giá thế giới là nguyên nhân chính khiến các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển trái phép vàng qua biên giới kiếm lợi nhuận. Theo đó, đối tượng buôn lậu mang vàng ra bán lấy đồng Việt Nam sau đó đổi sang USD rồi ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu.

Nếu tình trạng buôn lậu vàng càng gia tăng thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng cao sẽ khiến thị trường ngoại hối biến động…

Cũng trong diễn biến có liên quan, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, áp lực lên tỷ giá vẫn ở mức cao trong tháng 6. Theo đó, tỷ giá vẫn duy trì xu hướng đi ngang quanh mức tỷ giá bán kỳ hạn quy đổi của NHNN với giả định NHNN giữ nguyên chính sách tỷ giá bán như hiện nay.

Cung cầu ngoại tệ cơ bản của nền kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến vẫn duy trì hoạt động bình thường. Số liệu PMI mới đây trong tháng 5 đạt mức 54,7 - mức cao nhất trong vòng 13 tháng cho thấy mức cải thiện đáng kể của hoạt động sản xuất và kinh doanh sau dịch bệnh. Dự kiến cán cân thương mại có thể cải thiện lên mức thặng dư nhẹ khoảng 200 triệu USD, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 2,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo BIDV, cần lưu ý giai đoạn cuối quý II là thời điểm các hoạt động chuyển lợi nhuận về nước gia tăng. Trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ dự kiến tiếp tục ở mức cao khi tâm lý thị trường mặc dù giảm bớt sự lo ngại sau khi NHNN triển khai các giải pháp can thiệp song sự thận trọng vẫn được duy trì.

Vị lãnh đạo BIDV ước tính cân đối cung cầu ngoại tệ trong tháng 6 sẽ được cải thiện so với tháng 5, nhưng nhìn chung vẫn ở mức kém tích cực, thâm hụt vào khoảng 1 tỷ USD.

“Môi trường quốc tế ở trạng thái kém thuận lợi khi Fed nâng lãi suất và lặp lại bước đi này trong tháng 7 khi phát biểu gần nhất của quan chức Fed cho thấy quyết tâm kiểm soát lạm phát của cơ quan này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga - Ukraine vẫn là ẩn số lớn khi các bước đi gần đây cho thấy cuộc chiến này chưa thể sớm kết thúc. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dự kiến sẽ được duy trì và tìm đến trú ẩn ở đồng USD. Dự báo chỉ số DXY có xu hướng tăng nhẹ là chủ đạo, dao động trong khoảng 102 - 104”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Đồng quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu đang diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến đồng USD mạnh lên trong thời gian dài trên thị trường quốc tế.

Tương tự như các đồng tiền khác trong khu vực, tiền Đồng cũng chịu ảnh hưởng này. Đáng chú ý, đồng Nhân dân tệ mất giá đột ngột và đáng kể cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều đồng tiền châu Á, trong đó có Việt Nam. Điều này tương tự như những gì đã trải qua trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong nửa đầu năm 2018.

“Do USD mạnh lên, lãi suất Mỹ cao hơn và giá dầu tăng, tỷ giá USD/VND có thể sẽ cố gắng duy trì được sự ổn định trong năm nay, chứ khó có thể giảm như năm 2021”, ông Khoa nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn NHNN thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết; dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục (khoảng 110 tỷ USD) và nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự kiến vẫn thặng dư (dự báo khoảng 4 - 8 tỷ USD).

“Dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 2 - 2,3%”, TS. Lực nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục