Tỷ USD tìm về “sân nhà”
Rất nhiều thông tin về sự trở về của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến cá tra, doanh nghiệp dệt may… đều đã lần lượt tìm cách đưa sản phẩm của mình về “sân nhà”, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó bởi đại dịch Covid-19.
Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cùng với việc chuyển hướng sản xuất các mặt hàng khẩu trang, đã bắt đầu tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa. Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần Gò Đàng (Bến Tre)… đều lần lượt nằm trong danh sách này. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Việt Nam đang đua nhau tung ra các gói kích cầu du lịch giá rẻ.
Không khó hiểu vì sao các doanh nghiệp quyết định như vậy, bởi với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa Việt Nam khá rộng lớn. Chỉ đơn cử nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã lên tới khoảng 1 tỷ USD/năm vào năm 2019.
Trên thực tế, trở về thị trường nội địa đang là bài toán sống còn không chỉ với các doanh nghiệp, mà còn với cả nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều thị trường nước ngoài vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa vì đại dịch Covid-19 và nhiều khả năng, phải tới cuối quý III mới có thể tạm vận hành trở lại, thì thị trường nội địa chính là “trụ đỡ” quan trọng. Thủ tướng Chính phủ cũng đang nhắc tới thị trường nội địa như một mũi giáp công quan trọng để giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch.
Và không chỉ ở Việt Nam, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình phục hồi kinh tế chung của nhiều nước đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và chính phủ.
“Giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện các biện pháp kích cầu, bởi các lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, chúng ta đang ở trong trạng thái bình thường mới”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Tháng 4/2020, sức mua lao dốc thẳng đứng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt gần 294.000 tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng 3/2020 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 64,7%; doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành giảm 97,5% so với cùng kỳ.
Nếu tính chung 4 tháng, gồm cả yếu tố giá cả, sức mua giảm tới 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%). Đây là mức giảm rất mạnh. Ngay cả ở thời điểm suy giảm kinh tế 2008-2009, sức mua cũng không ở tình trạng này.
Cầu giảm không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Để vực dậy nền kinh tế, không thể không kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tìm cách “khoan” thích hợp
Nếu đã là thời điểm thích hợp để kích cầu tiêu dùng, thì đâu là điểm mấu chốt để có thể “khoan” được sức mạnh của thị trường 100 triệu dân?
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc thúc đẩy đầu tư công, cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT để kích cầu… Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, gắn kết lưu thông hàng hóa…
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phải chuẩn bị các phương án thực hiện kết nối cung - cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào mùa thu hoạch; tăng cường hỗ trợ đưa nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài ở Việt Nam…
“Cũng cần triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua 2 công cụ: kích thích tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; tăng chi tiêu của Chính phủ trong qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Kế hoạch đặt ra là như vậy, nhưng để thực hiện thì không đơn giản. Năm 2009, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp cũng đã tìm cách quay trở về với thị trường nội địa. Song thực tế, “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”, doanh nghiệp vướng không chỉ ở thị hiếu người tiêu dùng, mà còn vướng cả hệ thống phân phối. Nhiều doanh nghiệp thất bại.
Hơn hết, sau khi kinh tế bắt đầu hồi phục, nhu cầu thị trường nước ngoài tăng cao trở lại, đã có những doanh nghiệp “phụ bạc” thị trường đã từng là trụ đỡ cho mình những lúc khó khăn. Họ tiếp tục tìm cách xuất khẩu và “bỏ quên” sân nhà.
Bây giờ lại là một cuộc trở về. Vẫn sẽ là những khó khăn cũ, về sản phẩm, về hệ thống phân phối, về một chiến lược bài bản cho việc “khoan” thị trường nội địa.
Thêm vào đó, theo một báo cáo vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam tung ra cách đây ít ngày, trong quý I/2020, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tiêu ít hơn cho tiết kiệm (-4%), quần áo mới (-9%), du lịch (-5%), nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-4%), giải trí bên ngoài (-9%) và sản phẩm công nghệ mới (-6%). Theo bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, virus SARS Cov2 đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới, bao gồm cả người Việt Nam và đang làm thay đổi thái độ, hành vi và mong muốn của người tiêu dùng “một cách chóng mặt”.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, có thể tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế. “Cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng là nguồn gốc cho sự phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững, phá vỡ được vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế”, các chuyên gia khuyến nghị.
Các điều kiện “cần” và “đủ” đã xuất hiện
Việc kích cầu được nhắc tới lần đầu tiên từ 2 tháng trước, ngay khi nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng vào thời điểm đó, các chuyên gia đều thống nhất rằng, trong lúc chưa thể trông chờ vào chi tiêu của người dân, thì buộc phải “ngóng” tới chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là các khoản chi cho đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, các điều kiện “cần” và “đủ” đã xuất hiện để thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa.