Tuyết lở sớm chừa cổ phiếu đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, thị trường chứng khoán chịu hiệu ứng tuyết lở từ vụ cổ phiếu FLC, nhiều mã cổ phiếu bất động sản giảm mạnh và chịu áp lực bán lớn, song nhóm cổ phiếu đầu tư công vẫn được kỳ vọng trong dài hạn.
Tuyết lở sớm chừa cổ phiếu đầu tư công?

“Mọi người nhìn cổ phiếu xây dựng hạ tầng ấy, nếu mình đợi Quốc hội họp xong và có quyết sách đầu tư chính thức rồi mới mua thì vào ngay đỉnh”, một nhà đầu tư chia sẻ với nhóm bạn bè chứng khoán.

Phiên ngày thứ Năm (13/1/2022), trong hơn 100 mã xanh lơ trên ba sàn, có không ít gương mặt cổ phiếu nhóm đầu tư công. Nhưng tới ngày thứ Sáu, trong khi thị giá nhiều mã bất động sản như tàu lượn và rơi vào sắc đỏ khi đóng cửa thì cổ phiếu đầu tư công duy trì được sắc xanh trong cả phiên giao dịch, thậm chí nhiều mã lấy lại sắc tím như HBC... Tuy nhiên, trong phiên đầu tuần mới, cùng với hiệu ứng domino, trước lực bán tháo ồ ạt ở nhóm bất động sản, chứng khoán đã lan rộng khắp thị trường, khiến nhiều cổ phiếu đầu tư công giảm mạnh trở lại.

Tuy nhiên, Giám đốc một quỹ đầu tư nhận định, gói kích thích kinh tế và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 chính thức được Quốc hội thông qua sẽ trở lại là tâm điểm thu hút sự chú ý. Các cơ hội đầu tư xoay quanh câu chuyện này được dự báo sẽ sôi động và được dòng tiền quan tâm vẫn là xây dựng và bất động sản.

Ông này cũng phân tích về khả năng tuyết lở từ sự kiện liên quan đến cổ phiếu FLC. Cụ thể, tuần qua, một loạt công ty chứng khoán như VPS, VNDirect, Yuanta Việt Nam, Mirae Asset đã cắt margin đối với họ cổ phiếu FLC. Những nhà đầu tư dùng margin đối với những cổ phiếu thuộc nhóm này (do mất thanh khoản) buộc phải bán ra các cổ phiếu khác để thực hiện yêu cầu trả tiền của công ty chứng khoán.

Một bộ phận lớn nhà đầu tư đánh cổ phiếu theo nhóm, tức là dịp quý IV, họ mua cổ phiếu bất động sản thì sẽ có nhiều mã bất động sản trong danh mục. Vì thế, nhà đầu tư cũng có xu hướng phải bán cổ phiếu bất động sản khi tài khoản ký quỹ phải bổ sung tiền.

Cổ phiếu FLC có tỷ lệ cho vay thấp nên số tiền nhà đầu tư phải bù vào không quá nặng nề. Khi nhà đầu tư thực hiện bán xong cổ phiếu để trả nợ, hiện tượng “tuyết lở” có thể sớm chấm dứt.

Các nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng chia sẻ nhận định rằng, call margin sẽ không diễn ra dù nhiều mã đã giảm trên 20% vì dư nợ nằm ở nhóm cổ phiếu trụ và blue-chips nhiều. Trong khi đó, nhóm này vẫn ổn, còn margin ở nhóm cổ phiếu đầu cơ khá thấp và thường bị khống chế tỷ lệ vay, giá chặn và room cho vay.

Cú sốc tuần qua và phiên đầu tuần nhìn ở góc độ nào đó cũng không hẳn quá xấu với thị trường vì rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng quá đà và bất chấp lý do với sự “điên loạn” của dòng tiền, khi bị dội gáo nước lạnh từ “chim báo bão” dòng đầu cơ là FLC, tính đầu cơ của thị trường sẽ giảm bớt, sự FOMO giảm đi.

Nhìn nhận về triển vọng của nhóm doanh nghiệp xây dựng, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, thị trường xây dựng tại Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến đạt 94,9 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8,7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Ngành xây dựng được nhìn nhận đóng góp tỷ trọng đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam, bình quân 8%/năm trong vòng 10 năm qua.

Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công được xem là “cỗ xe tam mã” của Chính phủ trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn do tác động nặng nề của đại dịch thì xuất khẩu và đầu tư công là 2 mũi nhọn còn lại mang đến nhiều tín hiệu tích cực.

Trong 3 - 5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt.

Vì thế, trong 3 - 5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Khi giá cổ phiếu giảm mạnh không phải đến từ các thông tin xấu về doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn ổn định, tâm lý của nhà đầu tư sẽ sớm tích cực trở lại và họ sẽ giữ vững niềm tin về sự đi lên dài hạn của thị trường chứng khoán. Cơ hội lại nằm ở chính thời điểm cổ phiếu giảm giá về vùng hấp dẫn để tích lũy cho một con sóng mới.

Vấn đề của nhà đầu tư là chọn lựa cơ hội giải ngân thật kỹ càng. Tránh giải ngân vào các cổ phiếu tăng nóng, trường hợp nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và bắt được nhịp thì hãy tham gia, còn không thì đứng ngoài lựa chọn cổ phiếu cơ bản khác, tránh FOMO theo dòng tiền để lại trật nhịp.

Nghiên cứu và quan sát dòng tiền tập trung nhóm ngành nào và đang rút khỏi nhóm ngành nào sẽ là chiến lược tốt để tìm kiếm cơ hội trong biến động.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục