Cổ phiếu xây dựng sôi sục theo đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin Chính phủ chính thức trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng một lần nữa tạo ra hiệu ứng tốt, kéo nhóm cổ phiếu xây dựng đồng loạt tăng giá.
Cổ phiếu xây dựng sôi sục theo đầu tư công

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, VN-Index tăng 30,02 điểm (tương đương tăng 2,02%), lên 1.528,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,3% lên 128.865 tỷ đồng, khối lượng giảm nhẹ 2,6% xuống 4.111 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 19,85 điểm (tương đương tăng 4,19%), lên 493,84 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 7% xuống 15.343 tỷ đồng, khối lượng giảm 9,4% xuống 535 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu xây dựng sôi sục

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 31/12 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 07/01 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

SZG

UPCoM

24.900

43.300

73,90

H11

UPCoM

7.100

11.500

61,97

SDJ

UPCoM

7.400

11.600

56,76

HD2

UPCoM

10.500

15.100

43,81

L14

HNX

259.900

371.200

42,82

C4G

UPCoM

23.700

29.800

25,74

CII

HOSE

46.400

57.900

24,78

ROS

HOSE

13.600

16.000

17,65

LCG

HOSE

21.700

25.450

17,28

FCN

HOSE

27.500

32.200

17,09

HTN

HOSE

45.000

51.900

15,33

HBC

HOSE

30.250

34.500

14,05

Tân binh SZG của Sonadezi Giang Điền được chấp thuận giao dịch hơn 54,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM từ ngày 27/12, giá chào sàn là 11.800 đồng/CP. Đến nay, cổ phiếu đã đạt 43.300 đồng/CP, tương đương tăng 266,9%. Riêng tuần qua, SZG tăng 73,90% với 4 phiên tăng trần, nhưng thanh khoản 3 phiên đầu tuần ở mức thấp, trung bình chỉ đạt hơn 300 đơn vị/phiên và phải đến phiên cuối tuần, thanh khoản mới tăng lên 60.400 đơn vị.

Sonadezi Giang Điền hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh nhà, cho thuê mặt bằng, văn phòng. Tài sản đáng giá nhất của Công ty là Dự án Khu công nghiệp Giang Điền với tổng diện tích 529,2 ha. Ngoài ra, SZG cũng sở hữu Dự án Khu dân cư An Bình mở rộng với diện tích 5,7 ha tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo sau đó, mã H11 của CTCP Xây dựng HUD101, SDJ của CTCP Sông Đà 25 và HD2 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà HUD2 cũng có diễn biến tương tự. Điểm chung của các cổ phiếu này là thuộc nhóm cổ phiếu xây dựng nhỏ và mới bật lên trong tuần qua.

Mã H11 tăng 61,97% với 4 phiên tăng trần hưng phấn, giúp cổ phiếu này đóng cửa phiên cuối tuần qua ngày 7/1 tại mức giá 11.500 đồng/CP, trong khi tuần trước đó giao dịch của H11 không có gì nổi bật. Thanh khoản cũng được cải thiện từ trung bình 340 đơn vị/phiên lên 7.673 đơn vị/phiên.

Tương tự, ở tuần trước nữa, mã SDJ chỉ giao dịch từ vùng giá 7.200 - 7.600 đồng/CP, thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, trong tuần qua, SDJ tăng hết biên độ cả 4 phiên và bước lên mức giá 11.600 đồng/CP, thanh khoản bình quân đạt 15.206 đơn vị/phiên.

Mã HD2 cũng được hòa vào xu hướng chung ngành xây dựng giúp cổ phiếu tăng 43,81%. Mở đầu tuần giao dịch, HD2 giảm nhẹ nhưng được kéo lên nhờ 3 phiên tăng trần sau đó. Chốt phiên ngày 7/1, cổ phiếu HD2 đạt 15.100 đồng/CP với 235.586 đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài ra, dòng tiền vẫn tiếp tục tìm đến những mã những mã cổ phiếu xây dựng quen thuộc trên thị trường như C4G, CII, ROS, HBC... Điển hình như C4G của Tập đoàn Cienco4 tăng 25,74% lên 29.800 đồng/CP, thanh khoản được cải thiện mạnh mẽ lên hơn 5,92 triệu đơn vị/phiên.

Hay mã CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ được nhịp tăng ổn định giúp cổ phiếu tăng 24,78% và đạt 57.900 đồng/CP; mã HBC của Tập đoàn Hòa Bình cũng ghi nhận tăng trưởng 14,05%,…

Đầu tư công vẫn là động lực

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu xây dựng đã dậy sóng và ồ ạt tăng giá với 64/96 mã tăng trưởng so với tuần giao dịch trước. Phản ứng tích cực này đến từ thông tin Chính phủ chính thức trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó, riêng khoản chi cho đầu tư công là gần 114.000 tỷ đồng, chiếm 32,5% gói phục hồi.

Đến nay, đầu tư công vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành lực kéo mũi nhọn của kinh tế vĩ mô khi tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và xuất khẩu gặp phải nhiều rào cản. Do đó, trong giai đoạn 3 - 5 năm tới, đầu tư công sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế.

Một số công trình hạ tầng tiêu biểu trong giai đoạn hiện hành như 11 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng; sân bay Long Thành (336.063 tỷ đồng); cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (14.275 tỷ đồng); cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (15.900 tỷ đồng)…

Trước đó, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.

Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85 - 95% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau. Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam…

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp

“Với việc các hoạt động xây dựng sẽ được đảm bảo không bị gián đoạn trong giai đoạn bình thường mới, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của các công ty xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022 và trở lại mức trước đại dịch”, các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect kỳ vọng.

Có chung quan điểm, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest đánh giá, năm 2022, Việt Nam có thể có gói kích thích về tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giúp nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn.

“Xét theo các yếu tố cơ bản, bên cạnh bán lẻ, dệt may, thủy sản..., khả năng dòng tiền trên thị trường sẽ tập trung ở nhóm ngành đầu tư công, xây dựng hạ tầng… Đây là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022”, ông Khánh nói.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã điểm tên một số cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng. Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ. Đối với nhóm dân dụng là các mã CTD, HBC, HTN, VCG; nhóm công nghiệp, hạ tầng gồm VCG, HHV, CII, LCG, FCN, C47, TCD.

Hiện nay, FCN của CTCP Fecon là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng nền móng và công nghiệp nặng. Nhiều dự báo cho thấy mảng xây dựng của FCN sẽ hồi phục vào năm 2022 - 2023 nhờ dòng vốn đầu tư công và FDI mạnh mẽ. Các dự án nhà máy điện và phát triển cơ sở hạ tầng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục dự án xây dựng của FCN.

Trong khi đó, VCG của Vinaconex đang sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha và mục tiêu gia tăng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025. Ông lớn này đang thực hiện các gói thầu Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, gói thầu XL-03 và XL-05; Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…

Coteccons (mã CTD) và Tập đoàn Hòa Bình (mã HBC) đại diện nhóm xây dựng dân dụng đã ghi nhận tổng giá trị trúng thầu kể từ đầu năm 2021 lần lượt đạt 25.000 tỷ đồng và 16.054 tỷ đồng, cho thấy tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2022.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục