Chiều 19/2, UBND TP. Tuyên Quang tổ chức Tọa đàm “Phát huy giá trị truyền thống của đạo mẫu và thiền trúc lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang”.
Hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt chảy song hành
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là vùng đất thiêng, nơi giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa, lịch sử. Không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt - Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm - đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên một bản sắc đặc trưng, vừa linh thiêng huyền bí, vừa thuần khiết hướng thiện.
|
Tọa đàm “Phát huy giá trị truyền thống của đạo mẫu và thiền trúc lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang”, do UBND TP. Tuyên Quang tổ chức, chiều 19/2. |
Đạo Mẫu, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đã khắc sâu trong tâm thức người Việt một triết lý nhân sinh sâu sắc - đề cao sự che chở, bao dung và lòng biết ơn đối với các đấng thiêng liêng. Không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng thờ phụng, Đạo Mẫu còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là nơi để con người tìm đến sự an yên trong tâm hồn, để cầu mong bình an, hạnh phúc. Nghi lễ hầu đồng, một di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh, không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là biểu tượng rực rỡ của văn hóa nghệ thuật dân gian, thể hiện sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng dân tộc.
Cùng với đó, Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, không chỉ là một dòng thiền thuần Việt, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhập thế, dung hòa giữa đời sống tâm linh và trách nhiệm xã hội. Triết lý “Cư trần lạc đạo” đã thấm nhuần vào đời sống người dân, giúp họ không chỉ hướng thiện mà còn biết sống hài hòa với thiên nhiên, với chính mình và với xã hội. Hệ thống chùa, thiền viện ở Tuyên Quang không chỉ là nơi hành lễ, mà còn là không gian thanh tịnh để con người tìm về sự tĩnh lặng, tu dưỡng tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.
|
Đền Thượng (TP. Tuyên Quang). |
“Chính sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng tín ngưỡng này đã góp phần định hình một nét văn hóa đặc sắc của Tuyên Quang - một vùng đất linh thiêng, nơi mà lòng thành kính và sự tôn vinh cội nguồn trở thành giá trị cốt lõi trong đời sống nhân dân, giúp Tuyên Quang không chỉ là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách thập phương. Các đền, chùa, thiền viện nơi đây không chỉ là không gian hành hương, mà còn là những di tích chứa đựng lớp lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và tâm linh của dân tộc”, bà Vũ Quỳnh Loan nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh bền vững
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm không chỉ là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, của giới nghiên cứu, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Một trong những hướng đi hợp thời đại được nhiều chuyên gia góp ý cho Tuyên Quang để phát huy giá trị truyền thống của đạo mẫu và thiền trúc lâm là gắn với du lịch tâm linh.
|
Đền Hạ (TP. Tuyên Quang). |
Theo PGS-TS. Dương Thị Thu Hà, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh hội nhập, việc phát triển kinh tế và văn hóa bền vững là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của cộng đồng địa phương. Đặc biệt, du lịch tâm linh kết hợp với các giá trị văn hóa truyền thống có thể là một kênh phát triển kinh tế hiệu quả.
“Tuyên Quang có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt là thông qua các lễ hội thờ Mẫu và tour du lịch đến thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp hay những ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn. Các hoạt động du lịch này không chỉ giúp tạo nguồn thu cho cộng đồng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của Tuyên Quang, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các sản phẩm du lịch cộng đồng, để người dân địa phương trực tiếp tham gia và sản phẩm du lịch và trở thành những sứ giả văn hóa”, Theo PGS-TS. Dương Thị Thu Hà nhận định.
Để đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm thực sự được gìn giữ và phát huy đúng với bản chất vốn có, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều phía, từ chính quyền, các nhà nghiên cứu, người thực hành tín ngưỡng đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, chống thương mại hóa tín ngưỡng và gắn kết với du lịch tâm linh bền vững là những giải pháp quan trọng cần được triển khai đồng bộ.
|
Quang cảnh Thiền viện Trúc lâm Chính Pháp (TP. Tuyên Quang). |
Với việc gắn kết đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm với phát triển du lịch tâm linh bền vững, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn nhận định, các đền thờ như đền Mẫu Thượng, đền Thánh Mẫu Ỷ La đã trở thành những điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái và tham gia các nghi lễ. Đây không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng mà còn là không gian thể hiện nghệ thuật trình diễn độc đáo, đặc biệt là nghi lễ tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ – một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Việc phát triển các tuyến du lịch gắn với Đạo Mẫu có thể giúp nâng cao nhận thức về giá trị của tín ngưỡng dân gian, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Tương tự, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng nhập thế, hòa hợp giữa đạo và đời, cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch tâm linh. Chùa An Vinh, một trong những ngôi chùa quan trọng thuộc Thiền phái Trúc Lâm tại Tuyên Quang, không chỉ là nơi thực hành Phật giáo mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về sự tĩnh lặng, thiền định và phát triển đời sống tinh thần. Xây dựng các tour du lịch kết hợp trải nghiệm thiền, tìm hiểu triết lý Phật giáo Trúc Lâm có thể giúp du khách không chỉ tham quan mà còn có cơ hội tiếp cận và thực hành lối sống thiền trong đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, để du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm phát triển theo hướng bền vững, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn lưu ý, cần tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi bản chất thiêng liêng của các địa điểm thờ tự. “Một số điểm du lịch tâm linh ở Việt Nam đã gặp phải tình trạng bày bán hàng tràn lan, thu phí quá mức hoặc tổ chức các hoạt động mang tính kinh doanh nhiều hơn là tín ngưỡng, khiến giá trị văn hóa bị lu mờ. Vì vậy, việc quy hoạch các tuyến du lịch phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến không gian thiêng, giữ gìn sự tôn nghiêm của các cơ sở thờ tự, đồng thời tạo ra những trải nghiệm thực sự có ý nghĩa cho du khách”, ông nhấn mạnh.
|
Đền Ỷ La (TP. Tuyên Quang). |
PGS-TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, nhà nước và chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích các mô hình du lịch tâm linh có trách nhiệm, trong đó ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nghi lễ, kiến trúc, và không gian văn hóa của hai tín ngưỡng này. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn du khách thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn, tránh các hành vi sai lệch như mê tín dị đoan, cầu cúng không phù hợp hoặc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.
“Phát triển du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm một cách bài bản, khoa học và có định hướng sẽ không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của du khách trong thời đại mới”, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
“Hiến kế” cho TP. Tuyên Quang, nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ, sắp tới, UBND TP. Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2025, từ ngày 9 - 15/3/2025, TP. Tuyên Quang có thể phối hợp với đơn vị viễn thông để khi bất kỳ du khách nào đến với TP. Tuyên Quang cũng nhận được một tin nhắn ghi “Chào mừng bạn đến với Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La” và có dẫn link “vui lòng kích vào đường link sau để biết thêm thông tin”. “Tức là chúng ta chủ động tiếp cận, chia sẻ thông tin cho tất cả du khách và mọi người đến đây. Đồng thời, chính quyền Tuyên Quang cũng có thể làm cách nào đó để đồng hành với người dân để mỗi người dân trở thành một sứ giả văn hóa, một đại sứ du lịch mời gọi du khách đến Lễ hội”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu góp ý.
Mặt khác, nghệ nhân Đào Đức Hiếu nhấn mạnh: “Đạo mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vậy thì Tuyên Quang hãy mở rộng đón tất cả những thầy đồng, những người liên quan đến đạo mẫu trên khắp cả nước đến đây để cùng nhau thực hiện một nghi thức hay một Lễ hội lớn hơn trong tương lai, để nâng cấp Lễ hội có quy mô mang cấp quốc gia. Từ đó quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.