Tương lai nhiều dấu hỏi của liên minh ngân hàng châu Âu

Đối với Liên minh châu Âu (EU), việc thành lập được một liên minh ngân hàng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ là một minh chứng rõ nét về sự hội nhập sâu rộng và tinh thần đoàn kết nội khối giai đoạn hậu "chia tay" với Anh.
(Nguồn: Reuters) (Nguồn: Reuters)

Các chuyên gia nhận định rằng đây sẽ là một trong những chủ đề nổi bật được bàn tới trong năm 2018. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa ý tưởng đã tồn tại 7 năm qua vẫn còn nhiều chông gai và chắc chắn cái kết đẹp vẫn chưa thể xuất hiện trong năm 2018.

Ý tưởng về liên minh ngân hàng châu Âu ra đời sau cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu hồi thập niên đầu thế kỷ 21.

Một trong những vấn đề lớn nhất của châu Âu trong cuộc khủng hoảng này là khối lượng nợ công tồn tại trên sổ sách của các ngân hàng châu Âu rất lớn và tạo nên cái gọi là "thòng lọng bất hạnh" - thực chất là một nguy cơ lớn nếu khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính chạm tới quốc gia có những ngân hàng sở hữu số nợ công lớn.

Bài toán nợ này sẽ chuyển từ ngân hàng sang chính phủ và ngược lại, dẫn tới một vòng xoáy chết chóc như một cái thòng lọng siết chặt dần dần vào "yết hầu" của nền kinh tế.

Để giải quyết bài toán này, EU đưa ra đề xuất chia sẻ nguy cơ đó cho các nước thành viên. Do vậy, sẽ cần phải xây dựng những quy định mới cho phép các ngân hàng bị tác động bởi khủng hoảng được cắt giảm nợ thay vì phải để chính phủ và người đóng thuế cứu trợ.

Thêm nữa, những quy định mới còn cho phép các ngân hàng thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đặt tiền bảo hiểm tiền gửi vào cùng một giỏ nhằm phân tán rủi ro vỡ nợ cho tất cả các ngân hàng thuộc liên minh tiền tệ.

Chặng đầu tiên của liên minh tiền tệ này đã được triển khai thuận lợi. Một cơ quan giám sát đặt dưới quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã được thành lập.

Trong những năm qua, các quy định về hình thức cắt giảm hoặc xóa nợ cũng đã được soạn thảo và có hiệu lực từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi các đề xuất về cứu nguy cho các ngân hàng theo hình thức này đang trở thành vấn đề gây tranh cãi do tính hiệu quả của nó.

Miếng ghép tiếp theo cho bức tranh liên minh ngân hàng là phải thành lập một hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Tại đó, các ngân hàng của Eurozone chia sẻ nguy cơ, nhưng việc thiết lập quỹ chung lại không hề đơn giản.

Đến nay, Đức và Hà Lan là hai quốc gia phản đối kịch liệt ý tưởng "chia sẻ" rủi ro tài chính với các ngân hàng ở khối các nước Địa Trung Hải (Nam Âu) vì cho rằng hệ thống ngân hàng ở khu vực này quá mong manh.

Vấn đề đã được các nước thảo luận từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển. Đức và Hà Lan cho rằng nguy cơ trong các ngân hàng Eurozone vẫn quá lớn và cần phải giảm bớt nguy cơ này trước khi các nước Bắc Âu sẵn sàng chia sẻ rủi ro.

Các nước Bắc Âu đưa ra hai lập luận chính để phản đối việc tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đó là số lượng các khoản cho vay không sinh lợi trong các ngân hàng Nam Âu quá cao và những ngân hàng này vẫn có khả năng phải gánh nhiều khoản nợ của chính phủ.

Để thoát khỏi thế bế tắc, tháng Bảy vừa qua, Hội đồng châu Âu đã đưa ra một đề xuất mới: giảm số lượng các khoản cho vay không sinh lời trên sổ sách ngân hàng.

Mới đây nhất hồi đầu tháng 12, Phần Lan bất ngờ đưa ra một lộ trình thiết lập cơ chế bảo hiểm tiền gửi chung.

Lý do đằng sau đề xuất này của Phần Lan được cho là xuất phát từ động thái chuyển trụ sở của Ngân hàng Nordea từ Thụy Điển sang Phần Lan (tháng 9 vừa qua). Thụy Điển là một thành viên của EU nhưng nằm ngoài Eurozone.

Sự kiện này đã làm thay đổi cách tiếp cận của Phần Lan và việc nước này muốn chia sẻ rủi ro tài chính có thể đẩy Nordea vào khủng hoảng. Do vậy, Phần Lan có động cơ để chia sẻ rủi ro này với các nước khác, điều mà chính quyền Helsinki trước đây phản đối.

Phần Lan đưa ra giải pháp hướng tới việc thuyết phục các quốc gia Bắc Âu chấp thuận. Ý tưởng là gộp khả năng trả nợ của quốc gia với ngân hàng làm một khi xuất hiện những nguy cơ đe dọa hệ thống ngân hàng quốc gia.

Điều này sẽ cho phép nhà nước xử lý linh hoạt hơn các vấn đề phát sinh trong khủng hoảng. Đề xuất của Phần Lan có thể giúp làm mềm các quan điểm của Đức và Hà Lan.

Tuy nhiên, việc Đức và Hà Lan vẫn phản đối mạnh mẽ cùng với những yêu cầu mà hai nước này đưa ra đối với các nền kinh tế Nam Âu không thể có tiến triển nhanh chóng là cơ sở để giới chuyên gia đưa ra dự đoán rằng kế hoạch thành lập liên minh tiền tệ của EU rất khó thành hiện thực trong năm 2018.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục