Tương lai của dữ liệu

(ĐTCK) Có rất nhiều xu hướng tác động trong nền kinh tế dữ liệu, nhưng có 4 xu hướng chính và không nhất thiết diễn ra, tác động giống nhau trong tất cả các thị trường, ngành nghề.
Tương tác của người tiêu dùng với các thiết bị, các dịch vụ mới ngày càng nhiều, ngày càng phong phú.

Đây là những xu hướng rất quan trọng, tác động vào cách chúng ta nhìn nhận về tương lai của dữ liệu cũng như cách tiếp cận, sử dụng và chuyển đổi dữ liệu, tối ưu hóa các giá trị của dữ liệu cho nền kinh tế.

Thứ nhất, trong một thế giới tràn ngập thông tin, thông tin rõ ràng là điểm lợi thế

Nói đến dữ liệu là đề cập đến sự phát triển nhanh, mạnh, đột phá, tràn ngập thông tin về dữ liệu. Theo các nghiên cứu, đến năm 2025, có 463 exabyte dữ liệu bằng khoảng 92,6 lần tổng số lượng từ ngữ trên toàn cầu được sử dụng.

Cùng với xu hướng phát triển dữ liệu là những công nghệ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của dữ liệu, cụ thể là công nghệ 5G với tốc độ xử lý dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với công nghệ 4G hay khả năng xử lý dữ liệu lên đến 1.000 lần và hỗ trợ IOT, AI. Đó còn là công nghệ điện toán lượng tử hỗ trợ cho việc xử lý khối lượng dữ liệu vô cùng lớn. Rõ ràng, công nghệ về xây dựng các mô hình thuật toán trong việc phân tích dữ liệu ngày càng được phát huy tốt hơn, thông minh hơn và chuẩn xác hơn.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào

Điểm đáng chú ý khi nói về tương lai của dữ liệu thì dữ liệu mở là xu hướng mới đang được triển khai và tiếp cận ở các thị trường khác nhau. Theo tính toán, giá trị kinh tế của nền kinh tế dữ liệu mở có thể đạt từ 3.000-5.000 tỷ USD/năm. Do đó, để tạo ra một tương lai trong nền kinh tế dữ liệu, việc hợp tác, phối hợp giữa các đối tác trong hệ sinh thái về dữ liệu là điều vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu ứng mạng thiết yếu trong việc tiếp cận cũng như sử dụng và khai thác dữ liệu mở.

Trong bối cảnh đó, bao nhiêu phần trăm các tổ chức trên toàn cầu đã tối ưu hóa được xu hướng này? Theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp trên toàn cầu được biết đến là những doanh nghiệp đã có những chiến lược mạnh mẽ, xuyên suốt, nhất quán, với những chuẩn mực trong việc tiếp cận sử dụng và tối ưu hóa được giá trị dữ liệu.

Thứ hai, những vấn đề về an toàn, bảo mật thông tin

Nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ là xu hướng chủ đạo trong những năm tới, dù rằng đã diễn ra rất mạnh mẽ và dự kiến đóng góp tối thiểu 50% giá trị GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tương lai của dữ liệu thì dữ liệu mở là xu hướng mới đang được triển khai và tiếp cận ở các thị trường khác nhau.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào

Chính phủ các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến xu hướng của nền kinh tế dữ liệu, trong đó dịch vụ tài chính là lĩnh vực sẵn sàng nhất trong việc triển khai, tối ưu các giá trị dữ liệu, ứng dụng kỹ thuật số trong các dịch vụ tài chính. Cùng với đó, chính phủ các nước rất quan tâm đến xu hướng dữ liệu mở, ứng dụng dữ liệu mở, ngân hàng mở, giúp tương lai các dịch vụ tài chính phát triển cạnh tranh hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng.

Tất cả đều hướng tới mục tiêu người tiêu dùng được hỗ trợ tốt hơn, tiếp cận lượng dữ liệu phong phú hơn cho các giao dịch cũng như quản lý tài chính. Điều này giúp các chính phủ cải thiện cơ bản quản lý tài chính toàn diện, chiến lược phát triển kinh tế quốc gia và giảm rào cản cho các đối tác mới tham gia vào hệ sinh thái nói chung.

Để tối ưu việc tiếp cận, chuyển đổi dữ liệu, sử dụng dữ liệu đặt ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc trong việc sử dụng dữ liệu một cách nhất quán, đặt việc bảo mật thông tin và niềm tin của người tiêu dùng lên hàng đầu là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp các đối tác có thể nắm bắt được xu hướng này.

Người tiêu dùng đã ngày càng thông minh và hiểu rằng mỗi động thái click, share hay các comment trên mạng xã hội đều có giá trị và việc giữ được sự riêng tư trong thông tin cũng vô cùng quan trọng. Chỉ 5% người khảo sát nói rằng, sẵn sàng giao dịch với các đơn vị mà có thể có giá rẻ nhưng không đảm bảo được các yếu tố về bảo mật hay gìn giữ các quyền riêng tư thông tin; 5% cho biết có thể sẽ cân nhắc sử dụng; còn lại đại đa số cho hay, quyền riêng tư của dữ liệu cần được đặt lên hàng đầu.

Do đó, tổ chức nào xây dựng được năng lực bảo mật dữ liệu, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, sẽ có cơ hội khai thác được tốt nhất các giá trị trong nền kinh tế dữ liệu.

Có một thực tế là không phải nền kinh tế nào, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ khoảng 70% người tiêu dùng khảo sát sẵn sàng chia sẻ thông tin trong hệ thống về dữ liệu mở. Quốc gia có tỷ lệ chia sẻ thông tin cao là Ấn Độ, Indonesia (79%)…, nhưng cũng có quốc gia ở mức thấp như Nhật Bản (43%), Úc (50%), Singapore (58%)…

Nhiệm vụ của tất cả các đối tác tham gia vào hệ sinh thái nền kinh tế dữ liệu là làm sao để tạo ra được lòng tin dựa trên nền tảng về bảo mật thông tin và các nguyên tắc, đạo đức xử lý dữ liệu một cách cao nhất nhằm tạo được lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thứ ba, chuyển đổi kỹ thuật số đi cùng với những cái tốt, cái xấu

Đại dịch Covid-19, ngoài tác động tiêu cực, cũng là đòn bẩy thúc đẩy rất nhanh mức độ tiếp cận nền kinh tế số, dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách mà trước đó cho rằng sẽ cần khoảng 5 năm thì đã xảy ra chỉ trong 8 tuần, bởi đơn giản là tất cả đều phải chuyển đổi để thích hợp với những chuẩn mực về “bình thường mới” trong bối cảnh dịch bệnh.

Các cá nhân, doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi để thích hợp với tình huống làm việc từ xa, nhưng không phải ai cũng ngay lập tức quen được các công cụ, các giải pháp mới và mức độ nhận thức cũng như tốc độ hoàn thiện các công nghệ nền tảng để có thể đảm bảo bảo mật không phải đồng đều ở tất cả các ngành nghề, doanh nghiệp. Chính vì vậy, môi trường này rất dễ bị tổn thương, tạo ra những kẽ hở để các hacker và đối tượng giả mạo, trục lợi.

Ước tính hơn 7% giá trị GDP trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chịu thiệt hại do kẽ hở bảo mật tạo ra. Quay trở lại việc làm sao giải quyết được những vấn đề này là xây dựng các chuẩn mực, nguyên tắc trong công nghệ bảo mật, cũng như những đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu đi kèm với công nghệ cần phát triển để đảm bảo tối ưu được giá trị sử dụng trong nền kinh tế dữ liệu.

Thứ tư, kết hợp và phối hợp giữa các đối tác trong nền kinh tế dữ liệu

Hành vi của người tiêu dùng ngày càng trở nên phức tạp hơn, phong phú hơn do mức độ sử dụng dịch vụ, sản phẩm và các kênh tiếp cận ngày càng trở nên nhiều hơn. Theo nghiên cứu, lượng thời gian trung bình dành cho internet hàng ngày trên các thiết bị điện tử trên toàn thế giới là khoảng 6 giờ 43 phút và trong tốp 10 quốc gia có số lượng người sử dụng theo số giờ cao nhất, có đến 5 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và riêng tại Philippine, con số này lên tới 9 giờ 45 phút.

Điều đó cho thấy tương tác của người tiêu dùng với các thiết bị, các dịch vụ mới ngày càng nhiều, ngày càng phong phú. Như vậy, để có thể hiểu được hành vi của người tiêu dùng, nhìn thấy rõ được xu hướng và mong muốn của người tiêu dùng, một lần nữa, dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng và càng nhiều dữ liệu, càng có sự liên kết chia sẻ dữ liệu lớn thì các thuật toán sẽ càng “học” được nhiều hơn, trở nên chính xác, thông minh hơn theo thời gian.

Chính vì thế, sự kết hợp, phối hợp giữa các đối tác trong nền kinh tế dữ liệu là vô cùng quan trọng. Chúng ta đâu đó được nghe ví von “dữ liệu quý như vàng, như dầu”, nhưng chưa chắc đã đúng vì vàng và dầu càng khan hiếm thì giá trị càng cao hay nói cách khác, càng ít giá trị càng cao, nhưng ngược lại, càng làm giàu dữ liệu, càng nhiều dữ liệu trên cơ sở sự phối hợp sẽ càng khiến giá trị dữ liệu cao hơn và tất cả đều có lợi ích từ đây. Chính vì vậy, một hệ sinh thái tiếp cận, chia sẻ dữ liệu cần được xây dựng mạnh mẽ trên nền tảng phối hợp giữa các bên.

Đặng Tuyết Dung
Giám đốc Visa Việt Nam và Lào

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục