Tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2022

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một giao dịch bùng nổ, với nhiều tín hiệu tích cực. Tâm lý thận trọng đầu tuần nhanh chóng được thay thế khi nhà đầu tư phản ứng tích cực trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc “chốt deal” thuế quan với Việt Nam.

Bên cạnh đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi và dòng vốn ngoại duy trì ổn định tiếp tục đóng vai trò là động lực chính hỗ trợ thị trường. VN-Index đóng cửa tuần qua tại mức 1.457,76 điểm, tăng gần 71 điểm (+5,10%) - mức tăng mạnh nhất theo tuần kể từ cuối năm 2022. Thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt, với giá trị khớp lệnh bình quân vượt 25.000 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm VN30, đặc biệt nổi bật trong hai phiên cuối tuần. Trong khi áp lực chốt lời bắt đầu lan rộng ở nhóm midcap và penny, nhóm vốn hóa lớn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt. VIC và VHM tăng trần, đóng góp hơn 25 điểm cho chỉ số. Các mã VCB, HPG, BID, VPB cũng ghi nhận mức tăng tích cực. Ở chiều ngược lại, một số mã như VPL, HVN, BVH điều chỉnh nhẹ, nhưng tác động không đáng kể đến xu hướng chung.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh, đánh dấu 8 phiên mua ròng liên tiếp, với tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng trong tuần qua trên HOSE. Đà mua ròng tập trung tại các mã SSI, SHB, FPT, HPG, VPB, FUEVFVND, trong khi áp lực bán ròng ghi nhận ở GEX, VCG, KDH, FRT.

Sự bứt phá mạnh mẽ của chỉ số cùng với dòng cổ phiếu dẫn dắt đang củng cố niềm tin thị trường và nâng mặt bằng giá chung. Tuy nhiên, khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự quanh 1.500 ± 50 điểm, áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng, khiến đà tăng có phần phân hóa. Dù vậy, lực cầu vẫn duy trì tốt và đủ mạnh để hạn chế rủi ro điều chỉnh sâu. Khả năng trong tuần này, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc kỹ thuật khi nhiều cổ phiếu đã tiệm cận vùng giá mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu xuất hiện điều chỉnh, đây có thể là cơ hội tái tích lũy, tạo nền cho xu hướng tăng bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, đặc biệt sau khi xuất hiện thông tin về mức thuế đối ứng 20% mà chính quyền Trump đề xuất cho hàng Việt vào Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 46% đưa ra ban đầu - đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức thuế đối ứng hấp dẫn nhất trong khu vực. Điều này lập tức củng cố lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước các nền kinh tế như Indonesia hay Philippines, khiến dòng vốn FDI tiềm năng có thể dịch chuyển mạnh về Việt Nam.

Thực tế, bất động sản công nghiệp đang hưởng lợi rõ nét từ làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất theo chiến lược Trung Quốc +1. Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,52%, vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu ASEAN nhờ nền kinh tế xuất khẩu và sản xuất duy trì đà tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, FDI vào lĩnh vực chế biến - công nghiệp chiếm tới 56% tổng vốn giải ngân, với hơn 10,4 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu. Trong đó, bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 27% tổng vốn - tương đương gần 5 tỷ USD và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Khu công nghiệp ở các vị trí đắc địa như TP.HCM, Bắc Ninh, Đồng Nai, Long An… đang chứng kiến tỷ lệ lấp đầy cao, đều duy trì ở ngưỡng 80 - 90%, giá thuê tăng ổn định, nhất là đối với nhà máy và kho bãi đáp ứng tiêu chuẩn cao về chuỗi cung ứng, ESG và công nghiệp công nghệ cao. Nhiều khu công nghiệp đã có kế hoạch mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ rất nhiều cho các dự án công nghệ cao, bán dẫn và logistics.

Trong bối cảnh đó, thị trường đang phản ứng khá tích cực: các cổ phiếu đại diện cho khu công nghiệp đang có giao dịch sôi động, hưởng lợi từ kỳ vọng FDI trở lại và triển vọng kinh doanh mới. Nếu thuế đối ứng giữ ở mức vừa phải và các rào cản về thương mại được tháo gỡ, dòng vốn vào khu công nghiệp có thể phục hồi mạnh mẽ, hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục