Trong hai ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ chất vấn 5 thành viên Chính phủ, gồm 4 Bộ trưởng và Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Sáng nay (5/6), Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ năm. Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, sau đó thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi.
Tiếp đó, từ ngày 6/6 đến hết sáng 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn lần lượt Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.
Khép lại hoạt động này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ có một tiếng rưỡi làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.
Việc sắp xếp thời gian cho mỗi vị vẫn theo thông lệ, người trả lời cuối cùng (Phó thủ tướng kỳ họp giữa năm, Thủ tướng kỳ họp cuối năm) được bố trí ít thời gian nhất, các vị còn lại cũng đều vắt từ sáng sang một phần buổi chiều, chiều thì vắt sang một phần sáng hôm sau.
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, người đầu tiên lên “ghế nóng” cũng là thành viên Chính phủ duy nhất có kinh nghiệm ở hoạt động này, các vị khác đều là “tân binh”.
Việc chọn người trả lời chất vấn diễn ra khá sớm nên các vị Bộ trưởng đều đã có thời gian chuẩn bị báo cáo về các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội trước các phiên chất vấn.
Bên cạnh nhiều vấn đề khá nguội thì cũng có một số vấn đề tương đối nóng được chọn để chất vấn ở kỳ họp này của Quốc hội.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội , Bộ trưởng Dung sẽ phải trả lời về giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gần 1 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong năm 2022. Giai đoạn 2016 - 2022 đã có 4,84 triệu người rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Cụ thể là trong năm 2022 số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 997.470 người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, chủ yếu là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.
Ông Dung cũng thừa nhận, thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp…
Với lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lần đầu tiên đăng đàn đã phải trả lời vấn đề khá nóng: trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Theo báo cáo của Bộ trưởng, cả nước hiện có 319 đơn vị đăng kiểm, trong đó có 38 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và 281 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm. “Đến nay đã có 68 vụ án bị khởi tố, khám xét 103 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm và khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau”, theo báo cáo của Bộ Giao thông.
Theo Bộ trưởng, để xảy ra những sai phạm nêu trên, trách nhiệm quản lý Nhà nước trước tiên thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành phố có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn.
“Bộ Giao thông - Vận tải cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của mình khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm”, báo cáo nêu trách nhiệm của Bộ.
Kết thúc hoạt động chất vấn, chiều 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Sau đó thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Sáng 9/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Chiều cùng ngày, các vị đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Làm việc cả thứ Bảy, sáng 10/6 Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Buổi chiều cùng ngày, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.