Vì sao trước nguy cơ thiếu sách rất rõ ràng, các giải pháp của Bộ trưởng vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi dùng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), mà không hướng dẫn các địa phương mở rộng phạm vi lựa chọn sách theo chủ trương xã hội hóa để giải quyết khó khăn?
Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt ra tại văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn kim Sơn, trước thềm Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.
Nguy cơ thiếu sách rất rõ ràng
Lành mạnh hóa thị trường sách giáo khoa, giảm bớt khó khăn cho người dân, đặc biệt là nhân dân vùng khó khăn có con em đang đi học phổ thông là vấn đề được đại biểu Thúy kiên trì theo đuổi qua nhiều kỳ họp. Nữ đại biểu lên tiếng cả trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, xây dựng luật (ở Kỳ họp này là Luật Giá sửa đổi), chất vấn trực tiếp và chất vấn qua văn bản.
Tại văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần nhất, đại biểu Thúy nêu: Báo chí gần đây có phản ảnh lo lắng của xã hội về khả năng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, (đơn vị chiếm tới 70 % thị phần sách giáo khoa cả nước, như thông tin từ đơn vị này) không in kịp sách giáo khoa phục vụ năm học mới.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nếu thật sự việc này xảy ra thì sẽ thiếu sách giáo khoa của bao nhiêu môn học, bao nhiêu lớp với tổng số bản in là bao nhiêu. Việc thực hiện giải pháp tạm thời học qua bản PDF như kết luận của Bộ trưởng sẽ gặp những khó khăn gì về trang thiết bị và kinh phí. Nếu phải in tạm một số bài học từ bản PDF thì tổng số tiền là bao nhiêu, ngân sách nhà nước hay phụ huynh phải chi trả.
Vì sao Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa để đa dạng hóa nguồn cung, nhưng nhiều địa phương vẫn chỉ cho chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để dẫn đến nguy cơ thiếu sách khi Nhà xuất bản này gặp khó khăn?. Bộ có trách nhiệm như thế nào trong việc hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra công việc chọn sách của các địa phương.
Vì sao trước nguy cơ thiếu sách rất rõ ràng, các giải pháp của Bộ trưởng vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi dùng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ) mà không hướng dẫn các địa phương mở rộng phạm vi lựa chọn sách theo chủ trương xã hội hóa để giải quyết khó khăn. Nếu để việc thiếu 70 % phần trăm sách giáo khoa cho năm học mới xảy ra rồi, lúc ấy Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ đạo theo hướng mở rộng phạm vi lựa chọn sách thì liệu có kịp không?.
Bộ trưởng nói gì?
Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết để cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, Bộ đã chỉ đạo các địa phương cung cấp đầy đủ kịp thời số lượng đăng ký sách giáo khoa cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn trước khai giảng năm học mới 4 tháng.
Phối hợp với các nhà xuất bản thống nhất chọn các đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng sách giáo khoa, đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn phối hợp với đơn vị cung ứng sách giáo khoa để đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông, kịp thời đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn trước ngày 15/8 hằng năm.
Các địa phuơng chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng sách giáo khoa đảm bảo đúng bản mẫu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng phê duyệt; chịu trách nhiệm giải trình và báo cáo các nội dung liên quan theo đúng chức năng và thẩm quyền quy định.
Đồng thời, Bộ đã yêu cầu Nhà xuất bản nghiên cứu, triển khai phương án phát hành theo hướng đa dạng hóa cách phát hành, tăng cường kênh bán lẻ để thỏa mãn các nhu cầu xã hội.
Hiện nay, các sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đều được các nhà xuất bản công bố dạng PDF để giáo viên có thể tiếp cận ngay trong quá trình Bộ tổ chức thẩm định. Đây là cơ sở để giáo viên nghiên cứu trước khi có bản in sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. |
Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ đã chỉ đạo nỗ lực triển khai các giải pháp để cung ứng đầy đủ kịp thời sách giáo khoa mới phục vụ nhu cầu của học sinh giáo viên của cả nước trước khai giảng năm học 2023 - 2024.
Theo báo cáo của các nhà xuất bản, hiện nay, các nhà xuất bản đã chủ động in sản lượng nhất định để kịp thời cung ứng ra thị trường.
Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đến ngày 30/4/2023, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 5, 9, 12) đã triển khai in 86% sản lượng theo kế hoạch in, đã nhập kho đạt 65% so với kế hoạch in.
Đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 6,3 , 7, 10) đã triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 36% so với kế hoạch in.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 4, 8, 11), tính tới ngày 1/5 2023, một số địa phương chưa có quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn và chưa có số lượng sách giáo khoa đăng ký sử dụng gửi về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, để kịp tiến độ in có sách giáo khoa có sách trước khai giảng phục vụ năm học 2023- 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến in khoảng 51,41 triệu bản, trong đó đang triển khai mua sắm dịch vụ in với số lượng 40,44 triệu bản, tương ứng 79% kế hoạch dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sẽ hoàn tất trước 30/6/2023.
Hiện nay, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 với Bộ Tài chính và các địa phương sẽ hoàn tất việc lựa chọn đăng ký đầy đủ sách giáo khoa trước ngày 25/5.2023.
Về trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng cho biết Bộ đã ban hành Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
Bộ không giới hạn địa phương chỉ dùng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định và cho biết thực tế, Bộ thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc tiêu chí quy định tại Thông tư 25.
Tuy nhiên, theo thông tin từ đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cùng thời điểm nhận văn bản trả lời chất vấn (ngày 23/5/2023), bà nắm được thông tin là ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều còn một số tỉnh chưa có quyết định chọn sách.
Hầu hết các tỉnh, thành phố chưa đăng ký số lượng chọn sách mà thường chọn 2-3 bộ chủ yếu làm đẹp bản chọn sách giáo khoa (do năm ngoái Bộ có kiểm tra và phê bình các tỉnh chỉ chọn 1 bộ ), nên năm nay, hầu hết chọn 2 hoăc 3 bộ, theo phản ánh của cử tri.
Đại biểu Thúy cho biết, nguy cơ thiếu sách vẫn còn nguyên và bà sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ càng hơn, sẽ tiếp tục chất vấn vấn đề này, nếu cần thiết.