Sáng nay (30/10), Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ sáu với dự kiến dành trọn ngày 3/11 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đây là dự án luật rất khó, phức tạp, còn nhiều vấn đề cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra vẫn đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện. Vì thế, cho đến tối ngày 29/10 các vị đại biểu vẫn chưa nhận được các tài liệu liên quan đến dự án luật này.
Đã được thảo luận ở Kỳ họp thứ tư và thứ năm của Quốc hội, Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ sáu này.
Báo cáo tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2023), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi) cho biết, còn 13 vấn đề lớn hoặc là vẫn để 2 phương án, hoặc chưa chốt được phương án chắc chắn, cần tiếp tục xin ý kiến.
Trong 13 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau vẫn bao gồm cả quy định về giá đất và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đều là những vấn đề được cho là cốt lõi của lần sửa đổi này.
Đề cập dự án luật đặc biệt quan trọng này trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.
Cũng trong tuần này, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội thảo luận vào sáng 31/10. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ ra nghị trường vào chiều 2/11.
Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (từ chiều 31/10 đến hết 1/11) để thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Cùng thảo luận còn có kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.
Cả ngày hôm nay (30/10), sau khi nghe báo cáo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội chia làm hai đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11.