Tổng tiền bồi thường lên tới tiền tỷ
Sáng 26/3, lãnh đạo cả khối DN bảo hiểm phi nhân thọ gần như ngay lập tức kiểm tra trên hệ thống xem đơn vị mình có cấp đơn bảo hiểm trên không. Chiều 26/3, ngay tại Hội nghị chuyên đề trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong khuôn khổ Hội nghị thường niên thị trường Bảo hiểm năm 2015 cũng xôn xao với câu chuyện này. Sau giờ giải lao, đích thân Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có chỉ đạo về việc bồi thường và yêu cầu Công ty Bảo hiểm Samsung Vina (SVI) và Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) - hai đơn vị có cấp bảo hiểm trong vụ việc, báo cáo lại ngay trong ngày.
Xác nhận với ĐTCK, 2 nhà bảo hiểm trên cho biết, PJICO là nhà bảo hiểm con người, còn SVI bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho cả công trình. Ngay sau khi tai nạn diễn ra, cả hai nhà bảo hiểm đã đôn đáo lo công tác bồi thường bảo hiểm.
Theo hợp đồng ký kết với PJICO, mỗi công nhân lao động được bảo vệ về rủi ro tai nạn trong 24/24h với hạn mức trách nhiệm 50 triệu đồng/người.
PJICO cho biết, tuy tổng số tiền bồi thường trong vụ tai nạn này có thể lên tới hàng tỷ đồng, nhưng sứ mạng và trách nhiệm đối với khách hàng còn cao hơn cả giá trị kinh tế.
Ngày 26/3, chưa đầy 24h kể từ khi xảy ra sự cố sập giàn giáo, PJICO đã cử đoàn công tác đặc biệt đến hiện trường vụ tai nạn thăm hỏi nạn nhân và xử lý, khắc phục hậu quả.
Trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, PJICO đã khẩn trương xác định danh sách nạn nhân để sẵn sàng cho việc bồi thường tạm ứng. Tính đến 12h ngày 27/3, toàn bộ 13 công nhân tử vong và 29 công nhân bị thương đã được xác định và nhận được tiền bồi thường bảo hiểm tại PJICO. Trong chiều 27/3, đại diện PJICO đã tổ chức trao số tiền bồi thường tạm ứng cho mỗi công nhân tử nạn là 25 triệu đồng, tổng số tiền lên tới 325 triệu đồng. Với mỗi công nhân bị thương, đoàn công tác của PJICO đến thăm hỏi, động viên tại các bệnh viện, đồng thời tùy theo mức độ, PJICO tạm ứng ngay số tiền tối đa 5 triệu đồng/người.
Trong hai ngày cuối tuần qua, PJICO cũng đã chia thành nhiều đoàn khác nhau để đến thăm hỏi nạn nhân đang nằm ở các bệnh viện ở tuyến tỉnh Hà Tĩnh và Kỳ Anh.
Về phía SVI, chia sẻ với ĐTCK, nhà bảo hiểm này cho biết cũng cử nhà giám định độc lập để xác định các thông tin liên quan đến sự cố như mức độ tổn thất, phạm vi bồi thường… Cần nhắc lại là, giàn giáo bị sập là giàn giáo phục vụ thi công hạng mục giếng chìm đê chắn sóng do nhà thầu Samsung C&T (Hàn Quốc) thi công.
Sẽ sớm thanh toán số tiền bồi thường còn lại
Tổng số tiền bồi thường trong vụ tai nạn này như trên đã nói có thể lên tới hàng tỷ đồng, sau khi tạm ứng bồi thường, PJICO cam kết sẽ thực hiện bồi thường số tiền còn lại theo đúng thỏa thuận.
“Nhằm chia sẻ khó khăn và hy vọng bù đắp một phần mất mát với công nhân - người lao động không may bị thương vong, chúng tôi sẽ sớm hoàn tất số tiền bồi thường”, đại diện PJICO nói.
Nỗ lực bồi thường bảo hiểm, đó không chỉ là trách nhiệm của nhà bảo hiểm theo đúng cam kết tại hợp đồng, mà còn tạo lập niềm tin lâu dài đối với khách hàng. Đó cũng là điểm được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhấn mạnh tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2015 cuối tuần qua.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nỗ lực bồi thường tại sự cố gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh (thời điểm diễn ra sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào tháng 5 năm ngoái) đã được Chính phủ, các cơ quan ban ngành, khách hàng... đánh giá cao, đóng góp tích cực trong các nhiệm vụ mang tính cấp bách, đột xuất của Chính phủ.
Trong sự cố gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, ước bồi thường lên tới 430 tỷ đồng cho 370 DN bị thiệt hại. Dẫu ước số tiền thiệt hại tại vụ sập giàn giáo không lớn như sự cố gây rối trên cũng như các sự cố khác, nhưng với nỗ lực khắc phục sự cố tại vụ tai nạn Formosa lần này, bảo hiểm đang dần góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.