Tại trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), do điện thoại của một nữ sinh bị thu trong giờ học không khóa nên cô giáo chủ nhiệm thấy màn hình hiện cuộc nói chuyện nhóm qua Facebook. Kiểm tra, cô đọc được nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường...
Cho rằng học sinh đã "dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường", hiệu trưởng đã xử lý kỷ luật. Ba học sinh lớp 10 sau đó bị buộc thôi học một năm do vi phạm đạo đức. Bốn em khác bị đuổi học một tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết việc đọc tin nhắn trên Facebook của người khác mà chưa được đồng ý của chủ sở hữu là hành vi "xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại", có dấu hiệu phạm tội theo điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp như cơ quan điều tra thu thập chứng cứ trong điện thoại của bị can... Mức phạt sẽ từ cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Hành vi này chỉ bị xử lý hình sự khi người vi phạm trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
"Việc cô giáo đọc tin nhắn trên trên Facebook trong điện thoại thu của học sinh được hiểu là hành vi cố ý. Tuy nhiên, nếu cô giáo vô ý (vô tình xem, nhìn được) thì không thuộc trường hợp xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại", luật sư Vinh giải thích.
Theo luật sư Vinh, việc nhà trường cho rằng học sinh dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên để xử lý kỷ luật có phần "chưa thỏa đáng". Nhóm học sinh này chỉ nói chuyện với nhau trong một nhóm chat kín trên Facebook nên không thể coi là hành vi phát tán thông tin.
"Trường hợp nhà trường xử lý vi phạm thì phải tìm được bằng chứng rằng học sinh đã phát tán thông tin rộng rãi", luật sư nêu quan điểm.