Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng để phát triển kinh tế tập thể, gần đây là Kết luận số 70-KL/TW và Nghị quyết 134/NQ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh phải đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Việc huy động vốn bằng kết nạp thành viên mới của các hợp tác xã thành viên Saigon Co.op cần được nhìn nhận trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và quy định của pháp luật.
Góp vốn đúng luật bị quy kết là “góp vốn chui”?
Đầu năm 2020, một số hợp tác xã thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã huy động vốn góp để góp vào Saigon Co.op theo Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV ngày 6/7/2019 của Đại hội thành viên Saigon Co.op.
Điều đáng nói, các hợp tác xã thành viên Saigon Co.op huy động vốn để tăng vốn điều lệ của các hợp tác xã và tạo nguồn vốn góp để tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op bằng hình thức kết nạp thành viên mới vào hợp tác xã và ký hợp đồng hợp tác đầu tư với một số doanh nghiệp có năng lực tài chính. Đây là 2 hình thức huy động vốn phổ biến của các tổ chức kinh tế do người dân làm chủ, bao gồm các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Vừa qua, một số quận, huyện tại TP.HCM thực hiện thanh tra đối với các hợp tác xã có góp vốn điều lệ vào Saigon Co.op, trong đó cũng tập trung vào việc kết nạp thành viên để tăng vốn điều lệ của các hợp tác xã.
Sau khi có kết luận thanh tra của các quận, huyện, nhiều hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op bị quy kết là “góp vốn chui”, “góp vốn thần tốc” như các trường hợp của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bến Nghé, Hợp tác xã tiêu dùng phường 14, quận 8 và Hợp tác xã Thương mại dịch vụ quận 11.
Đây là các hợp tác xã có lịch sử phát triển gần 40 năm, lâu đời nhất tại TP.HCM và là thành viên lâu năm nhất của Saigon Co.op. Trong đó, Hợp tác xã tiêu dùng phường 14, quận 8 tiền thân là Hợp tác xã Cây Sung, được thành lập từ cuối năm 1975, là đơn vị Anh hùng Lao động; Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ quận 11 cũng là đơn vị được vận động thành lập từ năm 1975 và hoạt động từ năm 1976.
Theo ý kiến của một số luật sư, cơ quan Nhà nước cần đánh giá việc góp vốn của các hợp tác xã thành viên Saigon Co.op dựa trên đường lối, chính sách của Đảng và quy định của pháp luật, tạo niềm tin thu hút các nguồn lực đầu tư cho kinh tế tập thể.
Về đường lối, chính sách và quy định của pháp luật, Luật sư Lưu Văn Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu rất rõ là phải chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích việc tăng vốn góp và các nguồn vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia trong hợp tác xã.
“Theo quy định của Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư đều quy định các hợp tác xã được huy động vốn góp từ các nguồn vốn hợp pháp, thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. Về nguồn vốn mà các hợp tác xã được sử dụng để phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp, gồm vốn góp của thành viên, vốn vay của tổ chức tín dụng và các tổ chức cá nhân khác; vốn ủy thác thông qua hợp đồng hợp tác, liên kết đầu tư, kinh doanh. Do vậy, việc các hợp tác xã huy động vốn góp bằng phương thức kết nạp thành viên mới và ký hợp đồng hợp tác đầu tư là phù hợp với đường lối của Đảng và quy định của pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”, Luật sư Lưu Văn Tám khẳng định.
Hiểu đúng và đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã
Vấn đề góp vốn của các hợp tác xã thành viên Saigon Co.op là đúng hay chưa đúng cần phải xuất phát từ chính bản chất của các hợp tác xã và quy định của pháp luật.
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế do người dân thành lập và quản lý, không có vốn Nhà nước; có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nên không bị hạn chế việc huy động vốn.
Do các hợp tác xã là tổ chức kinh tế không có vốn Nhà nước nên hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã được thực hiện theo nguyên tắc căn bản nhất của kinh tế tư nhân là “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” và thực hiện quyền tự do kinh doanh theo theo quy định của pháp luật.
Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được nêu rõ trong Luật Hợp tác xã năm 2012. Cụ thể, điều 5, Luật Hợp tác xã quy định: Nhà nước “Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.
Điều 7, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định rõ: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật” và Điều 8 cũng quy định rất rõ các quyền của hợp tác xã về kết nạp thành viên mới; tăng giảm vốn trong quá trình hoạt động; liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hợp tác xã một lần nữa được nhắc đến trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX của Đảng. Nội dung này cũng được nêu rõ trong Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Theo các văn bản này, trong thực tế đang tồn tại hai thái cực trong quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nơi thì buông lỏng quản lý, nơi can thiệp quá sâu. Do đó, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành các văn bản trên để quán triệt việc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các hợp tác xã.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, các hợp tác xã thành viên Saigon Co.op kết nạp thành viên mới để tăng vốn điều lệ là phù hợp với quy định của pháp luật, là hoạt động cần được khuyến khích. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nhìn nhận việc huy động nguồn vốn này một cách đúng bản chất kinh tế, dân sự của việc góp vốn này. Nhà nước không được cấm đoán hoặc cản trở để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế. Nhà nước chỉ xem xét vấn đề về việc thực hiện các thủ tục góp vốn có phù hợp với trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định hay không.
“Việc các hợp tác xã huy động vốn bằng kết nạp thành viên mới hay liên doanh liên kết đều đã được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Đầu tư. Do đó, tôi cho rằng, việc kết nạp thành viên mới để tăng vốn điều lệ và hợp tác đầu tư để huy động nguồn vốn cho việc phát triển kinh tế tập thể là có căn cứ. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình và kỹ thuật để các hợp tác xã đưa vốn vào hoạt động, không được cản trở việc làm này của các hợp tác xã”, Luật sư Nguyễn Minh Anh nhận xét.
Trong kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM về việc chấp hành pháp luật của Saigon Co.op và thanh tra các quận, huyện về việc chấp hành pháp luật của các hợp tác xã thành viên, cơ quan thanh tra cho rằng, có dấu hiệu tổ chức kinh tế tư nhân thâu tóm Saigon Co.op thông qua việc các hợp tác xã thành viên kết nạp thành viên mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến luật sư không đồng tình với nhận xét này, vì không phù hợp với phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.
“Những tổ chức kinh tế không có vốn Nhà nước, do người dân làm chủ thì việc huy động vốn được tự do thực hiện theo quy định của pháp luật. Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp hay các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, kinh doanh với các hợp tác xã là chuyện hết sức bình thường và pháp luật không có quy định nào không cho phép việc này ngược lại đang khuyến khích và tạp thêm cơ chế thu hút, đơn giản đó là bản chất của kinh tế thị trường và việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế”, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, việc các hợp tác xã huy động vốn từ nhân dân hay từ các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước là kêu gọi sự tham gia phát triển kinh tế tập thể và theo đúng Luật Hợp tác xã, là làm theo chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, không thể gọi là “thâu tóm”. Hơn nữa, phát triển kinh tế tập thể, nếu không có sự tham gia của nhiều người, bằng nguồn vốn tư nhân thì không thể thành công vì Nhà nước không sử dụng vốn ngân sách để góp vốn hay đầu tư phát triển hợp tác xã.
Tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã là tổ chức kinh tế dân doanh hoàn toàn vốn của người dân và không có vốn nhà nước. Các hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và việc huy động các nguồn vốn để phát triển kinh tế của các hợp tác xã được pháp luật bảo hộ. Các hợp tác xã tăng vốn bằng nguồn vốn xã hội, vốn tư nhân là đúng bản chất kinh tế của người dân, do người dân đầu tư và làm chủ, đương nhiên không làm thay đổi bản chất hợp tác xã mà ngược lại, đây là việc triển khai đường lối của Đảng, quy định của pháp luật về phát triển hợp tác xã.