Từ vụ cháy quán karaoke, nhìn về bảo hiểm cháy nổ

(ĐTCK) Liên tiếp các vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội xảy ra gần đây đang gióng thêm hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ đối với ngành kinh doanh dịch vụ. Trong khi đó, việc mua bảo hiểm của các chủ kinh doanh ngành này thì gần như bị bỏ quên.
Rất hiếm các cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng, hay hộ kinh doanh cá thể nói chung mua bảo hiểm cháy nổ Rất hiếm các cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng, hay hộ kinh doanh cá thể nói chung mua bảo hiểm cháy nổ

Vào trưa ngày 1/11, lửa đã bùng lên dữ dội, bao trùm ít nhất 4 căn nhà mặt phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi có nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng và karaoke. Theo thông tin ban đầu, lửa thiêu rụi hoàn toàn mặt tiền các căn nhà cao 6-8 tầng, trong đó cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại nặng nề về người (13 người tử vong) và tài sản.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với các quán karaoke bị cháy để tìm hiểu thông tin về vụ cháy, cũng như việc mua bảo hiểm cháy nổ nhưng chưa nhận được câu trả lời, do chủ cơ sở kinh doanh đang bận xử lý các công việc liên quan đến sự cố.

Liên hệ với một số đại diện của Bảo hiểm Bảo Việt, PJICO, PVI, MIC hay BIC - là những hãng bảo hiểm có thị phần bảo hiểm cháy nổ tài sản lớn nhất trên thị trường, Đầu tư Chứng khoán nhận được kết quả rằng, tất cả đều không liên quan đến việc bán bảo hiểm cho các quán karaoke kể trên.

Trong khi đó, quy định về bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ cũng đã được ghi rõ tại các văn bản pháp luật như Thông tư 214/2013/TTLT-BTC-BCA, Nghị định 46/2012/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở hành nghề dịch vụ karaoke đều thuộc diện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Ngoài ra, cũng có chế tài xử phạt nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP.

Trước thực tế rủi ro về cháy nổ nói chung, cũng như các cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng đang ngày một tăng cao, các công ty bảo hiểm khuyến cáo chủ cơ sở kinh doanh karaoke cần sớm mua bảo hiểm cháy nổ theo đúng quy định pháp luật.

Các tài sản cần phải mua bảo hiểm cháy nổ quán karaoke đó là nhà, công trình và các trang thiết bị kèm theo như máy móc thiết bị, hàng hóa, vật tư và các tài sản khác. Ngoài ra, có thể mua thêm sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sinh mạng cho nhân viên phục vụ quán.

“Sản phẩm bảo hiểm riêng cho loại hình dịch vụ này hiện đã có và sẵn sàng bán khi khách hàng có nhu cầu. Vấn đề là các cơ sở kinh doanh dịch vụ có muốn mua hay không”, đại diện một hãng bảo hiểm cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có sản phẩm lồng ghép với sản phẩm cháy nổ nhà tư nhân, bảo hiểm cho ngôi nhà và các tài sản bên trong ngôi nhà. Chủ nhà sẽ được nhận bồi thường trong các trường hợp rủi ro xảy ra với ngôi nhà, cũng như các tài sản bên trong ngôi nhà của do một số nguyên nhân như cháy, nổ; sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm; giông bão, lũ lụt; vỡ hay tràn nước từ các bể chứa hay đường ống; va chạm bởi xe cơ giới hay động vật... Ngoài ra, các hãng còn mở rộng bảo hiểm đối với các trường hợp trộm cắp và chi phí dọn dẹp hiện trường.

Mặc dù vậy, ghi nhận từ thực tế bán bảo hiểm của các hãng bảo hiểm kể trên cho thấy, rất hiếm các cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng, hay hộ kinh doanh cá thể nói chung mua bảo hiểm cháy nổ, lý do chủ yếu chính là sự chủ quan, ý thức tuân thủ luật pháp về phòng chống cháy nổ yếu kém...

Thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm thường phải chi trả những khoản bồi thường lớn do rủi ro cháy nổ. Chẳng hạn, BIC từng chi trả bồi thường số tiền gần 400 triệu đồng cho khách hàng Quách Văn Chiến, chủ cửa hàng “Phụ tùng ô tô Chiến Hảo”, bị thiệt hại nặng nề do hỏa hoạn. Khoản bồi thường này đã kịp thời san sẻ gánh nặng tài chính cho ông Chiến, trong lúc gia đình ông đang nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh sau vụ cháy. Ông Chiến lúc đó tham gia sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân của BIC cho cửa hàng của mình.

Trở lại với vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, việc phân định trách nhiệm bồi thường cũng đang tạo ra những băn khoăn. Phụ trách bồi thường bảo hiểm của một hãng bảo hiểm cho biết, trong trường hợp này, về nguyên tắc, sau khi xác định lỗi do đâu thì sẽ quy lỗi trên cơ sở “ai làm thì người đó chịu”. Trước mắt, có thể chủ quán sẽ chịu trách nhiệm, sau đó quy lỗi đối với bên gây ra cháy.

Mặc dù vậy, theo vị phụ trách trên, khả năng tự bảo vệ luôn là phương thức tối ưu nhất. Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy của chủ cơ sở, cũng như nâng ý thức tự bảo vệ của khách hàng và nhân viên phục vụ, các chủ thể nên chủ động trang bị một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Bởi, trong trường hợp cơ sở kinh doanh chưa mua bảo hiểm và còn trông chờ việc phân định trách nhiệm bồi thường, các chủ thể mua bảo hiểm sẽ được hỗ trợ khá đáng kể.            

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục