Tự tin vào “của để dành”, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận lớn

(ĐTCK) Một trong những lý do các nhà băng tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 cao hơn khoảng 20 - 25% so với năm 2018 là việc nhiều khả năng sẽ được hoàn nhập một phần dự phòng rủi ro đã trích lập trước đó.
Tự tin vào “của để dành”, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận lớn

Hoàn nhập dự phòng khi xử lý được nợ

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong năm nay, Ngân hàng sẽ tất toán hết số trái phiếu VAMC còn lại. Hiện tại, Nam A Bank đang nắm giữ 178 tỷ đồng trái phiếu VAMC, giảm mạnh so với mức 2.588,8 tỷ đồng trái phiếu VAMC vào đầu năm 2018.

Đây cũng là lý do Ngân hàng đặt ra mục tiêu lợi nhuận trên 800 tỷ đồng trong năm 2019, bởi không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC. Kết thúc quý I/2019, Nam A Bank đã thu về 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, năm 2019, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và sẽ có khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường (khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro), đóng góp vào chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng của ACB năm 2019.

Trước đó, năm 2018, trong 6.388 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được của ACB cũng có khoảng 600 tỷ đồng là thu nhập bất thường từ việc xử lý các tài sản thế chấp nợ xấu liên quan đến bầu Kiên. Kết thúc quý đầu năm nay, ACB đạt 1.670 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đáng chú ý, ngay trong quý I/2019, ACB đã ghi nhận một khoản hoàn nhập dự phòng gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái phải trích lập tới 134 tỷ đồng. Con số nợ xấu của nhà băng này trong 3 tháng đầu năm 2019 cũng giảm hơn 3%, xuống còn 1.623 tỷ đồng, giúp kéo tỷ lệ nợ xấu từ 0,73% vào cuối năm ngoái xuống mức 0,68%.

Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, nhà băng này có cơ sở để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm 2019, với dự kiến con số lợi nhuận tăng 45% so với năm 2018. Năm nay, OCB đặt kỳ vọng tăng trưởng 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần ở mức 37%, lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, OCB sẽ mua lại hết trái phiếu VAMC và nỗ lực tất toán để hoàn nhập dự phòng trong năm nay. Với nền tảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số mà OCB đã chuẩn bị trong nhiều năm qua, cũng như việc quản lý rủi ro hệ thống được chú trọng, nhất là việc đã áp dụng Basel II, ông Tùng đánh giá OCB có cơ sở khả thi để hoàn thành kế hoạch 2019.

Năm nay, ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%. Đây là một trong các mục tiêu được nêu tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng.

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, một trong các nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị là điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.

Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Đồng thời, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Xử lý nợ xấu vẫn nan giải

Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc xử lý nợ xấu tại một số nhà băng vẫn là vấn đề nan giải. Chẳng hạn tại BIDV, do sáp nhập thêm MHB nên số nợ xấu chưa thể sớm xử lý, đồng thời phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV, đến cuối năm 2018, ngân hàng này còn hơn 14.100 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Đây cũng là lý do BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 18.893 tỷ đồng đến cuối năm qua, kéo lợi nhuận chỉ còn lại 9.4723 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 9% so với năm 2017.

Trả lời cổ đông về mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã đánh giá lại khả năng và nhận thấy hoàn toàn thực hiện được về chỉ tiêu doanh thu, nhưng ngân hàng sẽ tăng trích lập dự phòng 200 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Khoản trích lập dự phòng hợp nhất trong năm 2019 dự kiến là 20.200 tỷ đồng.

BIDV cho biết, Ngân hàng sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận BIDV đưa ra cho năm nay ở mức 10.300 tỷ đồng trước thuế, so với mức dự kiến trước đó là 10.500 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của BIDV là 1,74%, nợ xấu riêng lẻ 1,64%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đến hết quý I đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 2.262 tỷ đồng, tăng 6,9%.

Trong những năm qua, lợi nhuận chủ yếu được SCB sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro. Tính đến nay, Quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng đã lên đến con số hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2017. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ.

Sau khi hoàn thành việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trên có thể xem là “của để dành”, là tích tụ tài chính tốt cho nhà băng sau giai đoạn tái cơ cấu... nên trước mắt, cổ đông chưa được nhận cổ tức, song về lâu dài, nhà đầu tư của SCB sẽ có được khoản thu nhập bất thường này.

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là một trong những phương án mà các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu khi chưa thể xóa sạch nợ xấu trong một thời gian ngắn. Trong năm 2018, nhiều nhà băng vẫn tiếp tục chủ động hy sinh bớt lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí, tại một số ngân hàng, chi phí dự phòng rủi ro chiếm gần nửa lợi nhuận trong năm 2018 như Eximbank, VPBank, BIDV...

Cụ thể, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm vừa qua, đạt hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ đồng). Tuy nhiên, BIDV cũng là ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống, lên tới hơn 18.800 tỷ đồng, tức ngốn đến 2/3 lợi nhuận thu về.

VPBank cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua, cao hơn 40,6% so với năm 2017, lên mức 11.252 tỷ đồng, chiếm 55% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Hay OCB tăng chi phí dự phòng gấp 3,7 lần lên hơn 900 tỷ đồng, chiếm 30% lợi nhuận thuần. Bên cạnh đẩy mạnh rao bán nợ xấu, Sacombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro năm vừa qua lên gần 1.600 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2017.

Chênh lệch thu chi lũy kế đến 31/12/2018 của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1.705 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Eximbank đã tăng cường trích lập dự phòng để đẩy nhanh thu hồi và xử lý nợ xấu, tức dùng phần lớn chênh lệch thu chi trước thuế để trích lập thêm dự phòng 904 tỷ đồng trong năm qua. Trong đó, trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi là 390 tỷ đồng. Dẫn đến, lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ còn 827 tỷ đồng trước thuế (sau trích lập dự phòng).

Năm 2019, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trước trích bổ sung theo dự phòng trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với mức năm 2018. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục