Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Phiên “Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam”, tổ chức sáng 2/5 tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, NHNN đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực.
Trong đó, tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019...); tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý; qua đó khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh.
“Các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý. Nhờ đó, hệ thống TCTD đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, chuyển hóa các nguồn vốn huy động nhỏ, lẻ, ngắn hạn thành các nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đối với nền kinh tế”, ông Tú nói.
Còn ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cuối năm 2018, giá trị vốn hóa TTCK đã đạt 111% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 71,9% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ đạt hơn 27% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP).
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm. Đến cuối năm 2018, quy mô của thị trường bảo hiểm đã đạt trên 3% GDP đối với doanh thu bảo hiểm gốc. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 300.000 tỷ đồng.
“Dù vậy, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Việt Nam”, ông Hà thừa nhận.
Trao đổi về sự mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: “Thực trạng của nền kinh tế hiện nay tạo áp lực quá lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Ông Hùng cho biết, áp lực đối với các tổ chức tín dụng hiện đang rất lớn và nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng là do phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, việc quen thói quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. doanh nghiệp chưa có kế hoạch dẫn đến ảnh hưởng lâu dài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Một nguyên nhân khác phải kể đến là do chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư...
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, kết quả thực hiện Nghị quyết 10 đến nay mới chỉ là bước đầu, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
“Qua theo dõi tình hình hoạt động và phát triển kinh tế tư nhân, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị về tình trạng thiếu vốn và khó khăn trong huy động, vay vốn từ thị trường tài chính. Những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn của kinh tế tư nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan và chủ quan, từ cơ chế, chính sách và từ bản thân doanh nghiệp và các định chế tài chính, tín dụng, ngân hàng”, ông Nghĩa nói.
Đề cập thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Tú chia sẻ, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về qui mô lẫn chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).
“Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống TCTD. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Nhằm giải quyết những vấn đề trên, ông Tú cho biết, NHNN sẽ chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ;
Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn ngành đi đôi với chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng;
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính;.
“Tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh để thị trường vốn trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng”, ông Tú nói.
Về phía Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ thực hiện các giải pháp như trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm; thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đi theo đó là cải thiện công tác quản trị công ty theo thông lệ tốt.
Đồng thời, xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế; phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, giới thiệu các sản phẩm mới và tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quản lý giám sát hoạt động thị trường vốn, thị trường chứng khoán, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm phát triển thị trường lành mạnh.