Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã hoàn thành giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu (2012 - 2014) và đang bước vào giai đoạn tiếp theo trong thời gian 5 năm (2015 - 2019).
Trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), SCB đã thực hiện một loạt giải pháp để nâng cao chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu, cải thiện cơ cấu tổ chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động thiết kế sản phẩm và quản trị rủi ro.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn
Nhóm giải pháp nêu trên đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để giúp SCB có những thay đổi cơ bản và mang tính đột phá, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, trong đó việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu với tỷ lệ chi phối (trên 50%) là một giải pháp rất đáng được quan tâm, xem xét.
Bán cổ phần cho nước ngoài: Cần nỗ lực từ các bên
Về hành lang pháp lý, trong nhiều nhóm giải pháp được Chính phủ và NHNN thông qua, có giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu tổ chức tín dụng (TCTD) tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối.
Theo Đề án 254, Chính phủ khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất với các TCTD tái cơ cấu, nhất là các TCTD yếu kém, dựa trên nguyên tắc tự nguyện và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ, đồng thời cũng đưa ra một điều kiện mở: trong trường hợp đặc biệt, để cơ cấu lại TCTD yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng được quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại vượt quá giới hạn vừa nêu. Như vậy, giải pháp cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu với tỷ lệ trên 50% là hoàn toàn khả thi.
Về lý thuyết, tăng vốn điều lệ là một nhu cầu khách quan của các ngân hàng nhằm củng cố và mở rộng kinh doanh thường xuyên và liên tục, phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, đây cũng là cách nâng cao chất lượng của các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng cao của NHNN.
Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đòi hỏi có sự hợp tác và nỗ lực từ cả 2 phía. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn kỹ lưỡng và chọn lọc khi đầu tư vào các TCTD. Mặt khác, phía TCTD cũng cần phấn đấu để nâng tầm tổ chức trước khi chào bán cổ phần, vì nếu thực hiện quá sớm có thể gây thiệt hại cho các cổ đông hiện hữu.
Do đó, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng phải đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông trong nước và bù đắp được phần nào những nỗ lực và chia sẻ mà họ đã bỏ ra trong nhiều năm qua, như vậy việc bán cổ phần cho nước ngoài mới có ý nghĩa.
Việc kiểm soát TCTD sẽ khắc phục tình trạng sở hữu chéo
Chúng ta hãy cùng xem xét kỳ vọng và động lực của các bên liên quan trong quá trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu chi phối các TCTD trong nước. Đặc biệt quan trọng là việc tìm hiểu những vấn đề mà nhà đầu tư ngoại quan tâm khi tham gia sở hữu ngân hàng với một tỷ lệ chi phối đáng kể.
Xét trên quan điểm thị trường, giải pháp cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu vừa có lợi cho các TCTD, vừa có lợi cho toàn bộ nền kinh tế, thể hiện qua những phân tích sau đây:
Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu một ngân hàng nội, mục tiêu sau cùng của họ là nắm quyền kiểm soát ngân hàng đó. Theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% vốn điều lệ, tỷ lệ này không đủ để họ nắm quyền kiểm soát.
Do đó, room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 50% trở lên mới đảm bảo cho họ nắm quyền kiểm soát thực sự tại TCTD tái cơ cấu. Khi đó, các mục tiêu và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài mới có thể đạt được, xét cả về mặt tài chính lẫn mặt quản trị, để họ chủ động đầu tư sâu hơn về công nghệ, nhân sự, cơ sở vật chất…
SCB dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu vào năm 2019
Khi tìm hiểu mua cổ phần, thông thường các nhà đầu tư ngoại sẽ thực hiện giai đoạn thẩm định (Due Diligence) một cách rất kỹ lưỡng để hiểu rõ “sức khỏe” thực thụ của ngân hàng mà họ dự định bỏ vốn đầu tư.
Các chỉ số tài chính quan trọng, nhất là về chất lượng tài sản, an toàn vốn, tài sản đảm bảo của các khoản vay…, đều là những mối quan tâm hàng đầu trong giai đoạn này.
Nhà đầu tư nước ngoài có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm, cơ chế quản lý rủi ro và tính minh bạch trong kinh doanh…, do đó, sự tham gia và kiểm soát của họ tại những TCTD trong nước được kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi cơ bản về phương pháp quản trị điều hành, điều được xem là một hạn chế, hay điểm yếu của các TCTD tái cơ cấu.
Đồng thời, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần hạn chế, loại bỏ tình trạng cho vay các bên liên quan, cho vay các công ty “sân sau”, cũng như tình trạng sở hữu chéo của các nhóm cổ đông với các TCTD khác. Như vậy, thông qua sự tham gia và nắm quyền kiểm soát các TCTD tái cơ cấu, vấn đề quan ngại của NHNN về việc sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan cũng sẽ được khắc phục.
Cuối cùng, các nhà đầu tư ngoại chắc chắn sẽ quan tâm đến các cơ chế chính sách của cơ quan quản lý, đặc biệt là nhóm quy định, cơ chế đặc thù dành cho các TCTD tái cơ cấu.
Khi tìm hiểu mua cổ phần của các TCTD này, nhà đầu tư ngoại kỳ vọng NHNN có những cơ chế hỗ trợ riêng, xét tới tình hình tài chính và quy mô tái cơ cấu của từng TCTD, để giúp cho họ cũng như TCTD sớm đạt được những kết quả tài chính tích cực nhất.
3 tiêu chí của SCB
Trong quá trình tái cơ cấu, SCB có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư ngoại, với các tiêu chí cụ thể như sau:
Thứ nhất, đó phải là một định chế tài chính có năng lực, quy mô tài chính lớn, để đồng hành với SCB trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng của Ngân hàng;
Thứ hai, nhà đầu tư ngoại cần có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, để có thể hỗ trợ, đồng hành với chủ đầu tư của các dự án bất động sản mà SCB tài trợ, từ đó giải quyết được các vấn đề liên quan đến dòng tiền trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng;
Thứ ba, nhà đầu tư ngoại phải có cùng định hướng kinh doanh ngân hàng bán lẻ, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và ngân hàng điện tử với SCB.
Việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng để đón nhận đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ của kinh tế hiện nay. Giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu TCTD tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời giúp giải quyết nhiều mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD như xử lý tình trạng sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan, nâng cao năng lực tài chính của các TCTD.
Việc áp dụng giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn của TCTD có thể tạo ra một bước ngoặt đáng kể trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam trong thời gian tới. Với SCB, giải pháp này hứa hẹn sẽ giúp Ngân hàng có những bước đột phá mới trong giai đoạn tái cơ cấu 2015 - 2017.
Với những tiêu chí lựa chọn như đã đề cập ở trên, trong thời gian qua, SCB đã tiếp xúc với một số quỹ đầu tư và các TCTD trong khu vực châu Á, để bước đầu tìm hiểu về nhu cầu, kỳ vọng của các bên. Theo đó, SCB dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại trong giai đoạn 2017 - 2018, sau đó niêm yết cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trong năm 2019 theo đúng yêu cầu của NHNN.