Tốt nghiệp Đại học Thương mại chuyên ngành kế toán, nhưng Phan Thành Tân ở TP HCM không chọn làm nhân viên cho công ty nào mà lại tạo dựng hướng đi riêng.
“Khi còn năm thứ nhất đại học, tôi đã đi làm thêm để có thu nhập với công việc phụ bếp. Vì chăm chỉ lại khá khéo léo trong công việc nên tôi được bếp trưởng cho kiêm luôn cả nhiệm vụ mua nguyên vật liệu. Phụ bếp trong nhà hàng Nhật nên các nguyên liệu đa phần là hàng ngoại nhập. Thời kỳ ấy, tôi thường ra khu chợ bán hàng Nhật để mua nhưng không mấy hài lòng, từ đây nảy sinh ra ý tưởng tìm nguồn hàng để cung cấp”, Tân bộc bạch.
Với số tiền tích lũy khi đi làm phụ bếp, Tân bay sang Thái Lan, Singapore để tìm nguồn hàng, vận chuyển về Việt Nam và đi chào hàng ở những nhà hàng Nhật. Tân kiêm đủ mọi việc từ thu mua, sắp xếp nguồn hàng cho tới giao hàng và đến từng nơi để quảng bá sản phẩm. 3 tháng đầu hầu như không có nhà hàng nào chịu mua nhưng sang đến tháng thứ 4 thì anh bắt đầu có đơn hàng.
“Có đơn hàng đầu tiên tôi mừng lắm nhưng vẫn chật vật. Có những khách hàng tôi kiên trì chào hàng năm lần bảy lượt nhưng cứ mang hàng đến là họ chê. Thế nhưng, nhờ sự kiên trì và cải thiện chất lượng, cuối cùng chủ một nhà hàng khó tính ở quận 1 đã trực tiếp gọi điện cho tôi để nhập hàng. Lúc này tôi lại càng có niềm tin để bước tiếp”, Tân nói.
Được các nhà hàng tin tưởng bởi sự kiên trì, Tân quyết định mở cửa hàng phân phối thực phẩm Nhật với số vốn chỉ 18 triệu đồng, mượn thêm bạn bè và gia đình để có vốn lưu động.
Từ năm 1998 tới nay, anh đã có 6 siêu thị Nhật đặt tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Campuchia, đồng thời, cung ứng thực phẩm cho 1.000 nhà hàng kiểu Nhật ở Việt Nam.
Cũng từ nỗ lực trên, anh được Hoàng tộc Nhật trao tặng giải thưởng Văn hoá quốc tế vì là người đầu tiên đưa thực phẩm Nhật đến nhà hàng và siêu thị tại Việt Nam, góp phần phổ biến thực phẩm Nhật và tạo sự thân hữu giữa hai quốc gia.
“Cũng nhờ phục vụ đúng khẩu vị người Nhật nên khi mở ra lượng khách đến khá đông, trong đó 70% là Nhật, 30% còn lại là người Việt. Trong khi người Nhật ăn gật gù khen ngon thì người Việt không mấy hài lòng bởi vị không quen”, anh Tân bộc bạch và cho biết thêm, cũng chính nhờ quan sát, thăm dò phản ứng của khách nên anh quyết định nghiên cứu khẩu vị riêng dành cho người Việt.
Đến 2009, nhà đầu tư sinh năm 1977 này cho ra đời chuỗi Sushi World mang phong cách Nhật nhưng khẩu vị phù hợp người Việt, giá từ vài chục nghìn đến triệu đồng mỗi món. Tại chuỗi cửa hàng này lượng khách Việt chiếm đa số. Hiện, anh Tân có 9 nhà hàng kiểu Nhật, trong đó 2 cái phục vụ đối tượng khách Nhật, 7 cái còn lại phục vụ khẩu vị người Việt.
“Mặc dù có trên 2.000 khách hàng thân thiết thường xuyên lui tới nhưng để tạo sự khác biệt với các chuỗi nhà hàng khác, ngoài việc thực phẩm tươi ngon, phục vụ nhiệt tình, thân thiện thì nhà hàng của tôi luôn có những món ăn lạ, độc đáo mà những nơi khác không có. Khách hàng có thể yêu cầu hoặc đặt trước những món độc đáo như cá nóc, bò Kobe…”, anh Tân chia sẻ và cho biết, với cá nóc, đây là món độc đáo của người Nhật. Khách muốn ăn phải đặt trước.
Nhà hàng sẽ cử người ra chợ đầu mối Tsukiji của Nhật để mua nguyên liệu và gửi về Việt Nam trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon. Với món này, một set ăn cho 4 người có giá 2 triệu đồng, bao gồm 5 món. Hay các món ăn độc đáo khác như cá kampachi đuôi vàng, cá bơn…
“Bên cạnh món ăn lạ, với các vị khách đặc biệt, nếu họ có yêu cầu tôi sẵn sàng làm đầu bếp chế biến", anh bộc bạch và cho biết thêm, sắp tới sẽ mở rộng mạng lưới ở TP HCM, đồng thời hợp tác với trường đào tạo đầu bếp Tokyo College of Sushi and Washoku để mở trung tâm dạy nghề cho các bạn trẻ Việt Nam. Sau khi hoàn thành khóa học họ sẽ được giới thiệu làm việc cho các đơn vị trong nước hoặc tại Nhật