Khởi nghiệp từ bàn tay trắng
“Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo và không được học đại học. Sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, tôi làm thợ hàn và rồi bỏ việc không lâu sau đó để kinh doanh riêng. Tôi cùng bạn gái - người trở thành vợ tôi sau này - mở nhà hàng lẩu cùng với 2 người bạn”, Zhang Yong chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình.
Năm 1994, Zhang mở nhà hàng lẩu đầu tiên chỉ với 4 bàn. Khi đó, số tiền vốn 10.000 Nhân dân tệ đều là của bạn bè, Zhang không có một xu dính túi nhưng đóng vai trò là người điều hành và hứa hẹn sẽ tăng giá trị số vốn lên 150.000 Nhân dân tệ trong vòng 5 năm. Ông đưa ra lời cam kết sẽ bồi thường tiền cho mọi người nếu không làm được điều đó.
Hiện nay, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao của Zhang Yong đã trở nên nổi tiếng nhất Trung Quốc, với 196 nhà hàng ở 60 thành phố tại quốc gia này, cũng như ở Los Angeles (Mỹ), Tokyo (Nhật), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore.
Theo Bloomberg Billionaires Index, Zhang là một trong những tỷ phú mới nổi của Trung Quốc nhờ nắm giữ 68% cổ phần của Haidilao và 36% cổ phần của Hai Di Lao Holdings, cùng với 36% cổ phần tại Yihai International - công ty chuyên sản xuất và phân phối gia vị cho Hailidao và các hãng bán lẻ khác tại Trung Quốc như Walmart, Carrefour...
Zhang cho biết, ông có kế hoạch mở thêm 80 nhà hàng trong năm nay, trong đó có 10 cơ sở ở nước ngoài, với mục tiêu đưa doanh thu của Haidilao tăng hơn 30%, lên 10 tỷ Nhân dân tệ. Dù vậy, ông chưa có kế hoạch đưa công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước lẫn nước ngoài.
Tạo khác biệt từ dịch vụ khách hàng
Haidilao chuyên về lẩu Sichuan với vị cay, nấu chung các loại thịt, hải sản, nấm, đậu hũ và rau các loại rất được ưa thích. Song, ngoài hương vị đặc trưng, Haidilao còn nổi tiếng nhờ dịch vụ khách hàng đặc biệt.
Cụ thể, khách của nhà hàng trong khi chờ đợi có bàn cho mình sẽ được chăm sóc móng tay hoặc massage lưng miễn phí. Sau khi ngồi vào bàn, mỗi thực khách sẽ nhận một khăn ngâm nước nóng và tạp dề bảo vệ quần áo.
Nhà hàng cũng cung cấp các túi nhựa để khách bỏ vào đó điện thoại di động, những người đi một mình còn được đưa ra một con gấu bông làm bạn để ăn cho ngon miệng. Dịch vụ đặc biệt này được triển khai ngay từ lúc mới khai trương đã làm nên sự khác biệt cho một nhà hàng nhỏ bé khi đó.
Quản lý nhân sự thấu đáo
Zhang, cũng như những nhân viên phục vụ của ông, đến từ tầng lớp thấp ở vùng sâu vùng xa, nên hiểu rất rõ các thách thức mà những người nhập cư phải đối mặt khi kiếm sống tại các thành phố lớn.
Do đó, Haidilao cung cấp nhà ở có điều hoà, wifi cho nhân viên và dành những khoản phụ cấp hàng tháng cho bố mẹ của các nhân viên có thâm niên và các quản lý giỏi. Ngoài ra, còn có một quỹ hỗ trợ thiên tai dành cho gia đình của nhân viên gặp khó khăn khi phải chịu thiệt hại từ thiên tai.
“Thật không dễ sống khi là một lao động nhập cư gốc nông thôn ở Trung Quốc”, Zhang nói.
Tại Haidilao, từ nhân viên phục vụ bàn đến nhân viên tạp vụ đều có thể thăng tiến lên vị trí quản lý. Những nhà quản lý thành công sẽ được tạo điều kiện mở chi nhánh riêng.
“Haidilao luôn đối xử công bằng và tạo điều kiện cho mọi người tự phát triển. Tôi chưa từng có dự định thay đổi nơi làm việc”, Wang Bin, một quản lý lâu năm tại Hailidao nói.
Ôm mộng vươn ra thế giới
Zhang đã và đang thành công tại thị trường trong nước khi các nhà hàng Haidilao mọc lên khắp Trung Quốc. Chưa rõ mô hình này có thể làm được điều tương tự tại nước ngoài hay không, nhưng ông chủ Zhang vẫn nuôi quyết tâm đưa thương hiệu Haidilao ra toàn cầu. Tại một chi nhánh tại Mỹ, Zhang cho biết, ông chưa hài lòng khi nhà hàng của mình chỉ dựa chủ yếu vào khách hàng gốc Hoa.
Để tìm cách thu hút thực khách đa dạng hơn, Zhang chia sẻ, các nhà hàng trong tương lai của ông ở Mỹ sẽ phải phát triển một bầu không khí sôi động hơn với nhạc pop hay thực đơn lẩu riêng cho mỗi ngày.
“McDonald’s, Coca-Cola và Starbucks đều phản ánh văn hóa Mỹ. Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đi lên và thế giới bắt đầu chú ý nhiều hơn đến đất nước này, tôi tin các nhà hàng Trung Hoa sẽ có cơ hội phát triển”, Zhang nói.