Từ năm 2022 tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00

Vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam có thể bị phạt tối đa 1.000.000.000 đồng

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết tại cuộc họp báo sáng 11/12 công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Một trong những điểm mới, theo Thứ trưởng Oanh là so với Luật XLVPHC hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Bao gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.

Luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng.

Theo Luật mới, sẽ phạt tiền đến 500.000.000 đồng với vi phạm trong lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản.

Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bà Oanh thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi/ bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Ví dụ: một số chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Hải quan...

Bên cạnh đó thì Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng, cơ quan như: Kiểm ngư, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Kiểm toán nhà nước....

Quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng được chỉnh lý theo hướng: bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, Luật bổ sung 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện.

Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục