Chất lượng tăng trưởng khác biệt
Được coi là những người “khổng lồ” của cả hệ thống, 4 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank đều có tổng tài sản khủng trên 1 triệu tỷ đồng.
Nhìn vào các mảng kinh doanh, có thể thấy, dù thu từ dịch vụ tăng mạnh trong những năm gần đây, song lãi từ dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lợi nhuận của các nhà băng (trên dưới 2.000 tỷ đồng mỗi nhà băng). Lợi nhuận từ các khoản đầu tư khác cũng chiếm tỷ lệ không lớn.
Tín dụng vẫn đóng góp phần lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng và đây cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt trong chất lượng hoạt động kinh doanh của các nhà băng, do gắn với nợ xấu.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập thuần của Agribank và BIDV lớn nhất, do dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống. Nắm thị phần cho vay lớn nhất, tổng thu nhập của Agribank khoảng 60.000 tỷ đồng (7 tháng là 70.759 tỷ đồng), BIDV đứng thứ hai với 48.706 tỷ đồng, VietinBank đứng thứ ba với thu nhập gần 40.000 tỷ đồng và Vietcombank đạt 32.802 tỷ đồng do cho vay ít nhất. Tuy nhiên, do chi phí lãi, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro khác nhau, nên lợi nhuận của các ngân hàng này rất khác biệt.
Cụ thể, trước trích lập dự phòng, BIDV có lợi nhuận thuần cao nhất, với 15.482 tỷ đồng; Vietcombank đứng thứ hai, tiếp đến là VietinBank. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính 6 tháng. Tuy vậy, sau khi trích lập dự phòng, thứ hạng này lại hoàn toàn đảo lộn.
Với trích lập khủng tới 10.710 tỷ đồng, BIDV từ vị trí quán quân đã tụt xuống “bét bảng lợi nhuận” trong số 4 ngân hàng quốc doanh. Vietcombank nhờ ít nợ xấu, trích lập dự phòng nhỏ, nên đã thu về lợi nhuận kỷ lục: gần nửa tỷ USD trong vòng 6 tháng (11.300 tỷ đồng). VietinBank - do chi tới 7.500 tỷ đồng trích lập dự phòng, nên lợi nhuận 6 tháng giảm còn 5.334 tỷ đồng, chỉ cao hơn BIDV.
Bất ngờ lớn nhất là Agribank, lợi nhuận tăng vọt lên 8.200 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, chỉ đứng sau Vietcombank trong khối quốc doanh.
Ẩn số bất ngờ từ “của để dành”
Những số liệu so sánh trên chỉ có tính tương đối trong việc so găng thứ hạng các ngân hàng. Muốn biết sức khỏe của các nhà băng này, cần phải nhìn vào nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, tiềm năng phát triển trong tương lai…
Trong số 4 ngân hàng trên, Vietcombank sở hữu nợ xấu nhỏ nhất, với hơn 7.100 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ xấu này đã được ngân hàng trích lập dự phòng tới hơn 170%. Điều này cho thấy, Vietcombank không chỉ hoàn toàn có khả năng thổi bay nợ xấu, mà còn giúp có nhiều “của để dành” trong tương lai. Thực tế, nhờ mạnh tay trích lập dự phòng trong những năm trước đây mà mấy năm qua, Vietcombank bỏ túi mỗi năm vài ngàn tỷ đồng, nhờ thu về từ các khoản nợ được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
VietinBank cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu với tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, khối nợ xấu nội bảng lên tới 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm đang là gánh nặng của ngân hàng này. Chưa kể, nợ xấu gửi tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có dấu hiệu tăng lên, nên miếng bánh lợi nhuận của VietinBank sẽ tiếp tục bị ăn mòn trong những năm tới.
“Quán quân” nợ xấu hiện nay là BIDV, với hơn 21.000 tỷ đồng nợ xấu 6 tháng đầu năm, chưa kể nợ xấu nằm tại VAMC. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 10.500 tỷ đồng. Đây là lý do khiến BIDV phải chi tới 10.700 tỷ đồng trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Dù mạnh tay trích lập, song do nợ xấu lớn, nên tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu của BIDV mới đạt khoảng 70%. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận BIDV những năm tới.
Tương tự, Agribank cũng mạnh tay xử lý nợ xấu và tăng trích lập dự phòng thời gian qua. Hiện nợ xấu tại VAMC đã được Agribank trích lập dự phòng đầy đủ, song nợ xấu nội bảng vẫn còn cao, khiến ngân hàng này sẽ còn phải “hy sinh” một phần lợi nhuận trong giai đoạn tới.
Đáng ngại nhất hiện nay là VietinBank, dù tình hình tài chính khả quan hơn Agribank và BIDV, song, trong khi Agribank và BIDV có cơ hội tăng vốn khá sáng sủa nhờ mua bán - sáp nhập (M&A) hay cổ phần hóa, thì VietinBank hầu như đã hết dư địa.
Về triển vọng phát triển, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, đến năm 2020, lợi nhuận của Vietcombank sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD và đến năm 2025 sẽ cán đích 2 tỷ USD. Sở dĩ Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận gây sốc này là nhờ thương vụ hợp đồng phân phối bảo hiểm khủng.
Năm ngoái, nhiều nguồn tin cho biết, Credit Suisse AG tư vấn cho Vietcombank về việc tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm mới với giá trị thỏa thuận bancasusrance có thể lên tới 1 tỷ USD. Giữa năm nay, tên của 2 người khổng lồ cạnh tranh để thành đối tác của Vietcombank đã lộ diện, đó là Prudential và FWD. Nếu hợp đồng được ký kết, khoản hoa hồng mà Vietcombank nhận về trước mắt lên tới 400 triệu USD. Với thương vụ này, Vietcombank càng tiếp tục bỏ xa các ngân hàng khác về hiệu quả kinh doanh.
Mặc dù nợ xấu còn cao, song BIDV và Agribank đang có nhiều cơ hội lột xác nhờ cửa sáng tăng vốn. Việc liên tiếp dẫn đầu thị phần tín dụng và doanh thu thuần nhiều năm qua cho thấy, BIDV là đối thủ đáng gờm. Nếu thương vụ bán cổ phần lịch sử cho Keb Hana sớm hoàn tất, giải tỏa được hệ số an toàn vốn (CAR) và có thêm nguồn vốn kinh doanh, thì chắc chắn BIDV sẽ tăng tốc.
Tương tự, Agribank cũng đã trở lại đường đua ngoạn mục mấy năm gần đây. Với lợi thế huy động vốn, lượng khách hàng lớn, cán bộ đông đảo và am hiểu thị trường, triển vọng phát triển thị trường tín dụng nông thôn…, Agribank sẽ là một ẩn số bất ngờ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Agribank sẽ cổ phần hóa vào năm 2020.
Ngoài triển vọng tăng trưởng nhờ tăng vốn, BIDV và Agribank còn có cơ hội nhận được “quà tặng” từ “của để dành” những năm tới, nhờ thu hồi nợ xấu từ những khoản đã được trích lập dự phòng rủi ro.
Đáng ngại nhất hiện nay là VietinBank, dù tình hình tài chính khả quan hơn Agribank và BIDV, song, trong khi Agribank và BIDV có cơ hội tăng vốn khá sáng sủa nhờ mua bán - sáp nhập (M&A) hay cổ phần hóa, thì VietinBank hầu như đã hết dư địa, đang phải tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu. Thậm chí, ngân hàng này có nguy cơ mắc kẹt lâu dài nếu như không sớm tìm ra được giải pháp tháo gỡ.