Nửa đầu năm, nhiều ngân hàng báo lãi lớn
LienVietPostBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế 1.116 tỷ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Có được kết quả khả quan này theo đại diện LienVietPostBank, là do Ngân hàng đã thay đổi cơ cấu nguồn thu, dẫn đến tăng tỷ trọng thu nhập từ các mảng kinh doanh chủ đạo.
Kết thúc nửa đầu năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 50,6% kế hoạch đề ra. Tín dụng của TPBank tiếp tục tăng trưởng ổn định, dư nợ cho vay đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 11.100 tỷ đồng so với đầu năm; tổng huy động vốn đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.3000 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại SCB, nhìn chung các mặt hoạt động đều ghi nhận tích cực trong 6 tháng qua. Nổi bật nhất là khoản thu nhập 290 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và 503 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng 22% và 58% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 93 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 537.616 tỷ đồng, tăng 29.466 tỷ đồng; huy động thị trường 1 đạt 457.717 tỷ đồng, tăng 38.671 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại Vietcombank, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ 2018, thực hiện khoảng 55% kế hoạch cả năm. Đây là kỷ lục mới của ngành ngân hàng kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm từ trước tới nay.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 7/2019, nhiều ngân hàng cũng đã công bố ước lãi hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 như ACB, HDBank, VIB, Sacombank...
Lạc quan trong nửa cuối năm
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, với những kết quả đã đạt được trong nửa đầu năm 2019, toàn hệ thống Vietcombank nỗ lực đẩy mạnh các mảng hoạt động để hoàn thành kế hoạch 2019 với một số chỉ tiêu chính: Tổng tài sản tăng 12%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, tín dụng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%.
Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho hay, thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục tập trung đẩy mạnh phân khúc bán lẻ; cung cấp các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng tới các địa bàn vùng sâu vùng xa, đẩy mạnh huy động vốn và cho vay tiêu dùng, đặc biệt hướng tới cho vay khu vực nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, cũng như đẩy lùi nạn “tín dụng đen” đang hoành hành ở khu vực này.
“Trên cơ sở phát triển ổn định, cùng với đà tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank có cơ sở để tin tưởng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2019”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá tình hình thị trường những tháng cuối năm, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cũng tỏ ra lạc quan, cho dù chia sẻ, SCB có rất nhiều việc phải làm khi đề án tái cơ cấu được duyệt.
Thông tin điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý III/2019 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cho biết, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại TCTD trong quý II vừa qua tăng thấp hơn dự kiến, nhưng dự báo sẽ cải thiện trong quý III này, khi 63,5% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu tăng, trong đó 64,5% kỳ vọng tăng nhu cầu vay vốn, 55,2% kỳ vọng tăng nhu cầu gửi tiền và 53,7% kỳ vọng tăng nhu cầu thanh toán và thẻ; 64-71% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (như vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ) sẽ gia tăng trong kỳ và cả năm 2019 so với năm 2018.
Cũng theo cuộc điều tra, đa số TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn - cho vay tiếp tục duy trì ổn định trong quý III và cả năm 2019. Dựa trên những nền tảng đó, 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III/2019 (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 3/2019), trong đó 20-27% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.