Tự hào 75 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư: Cùng Chính phủ giải "bài toán khó"

0:00 / 0:00
0:00

75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt vai trò “kiến thiết” đất nước và luôn đồng hành với Chính phủ trong giải các “bài toán khó” của nền kinh tế.

Tự hào 75 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư: Cùng Chính phủ giải "bài toán khó"

Nhấn mạnh vai trò “kiến trúc sư trưởng”

Năm 2020 sắp khép lại với không ít chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra, song trong bối cảnh Covid-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, thì việc kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là một kết quả đáng ghi nhận. Có được kết quả ấy, không thể không nhắc đến dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ, là “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà cứ mỗi đầu năm, khi xuống các bộ, ngành để làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần như đều lựa chọn đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước tiên. Thủ tướng lúc nào cũng nhấn mạnh về vai trò “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong hành trình 75 năm hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư, mà tiền thân là Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, hai chữ “kiến thiết” không chỉ theo suốt chặng đường phát triển, mà còn cần thiết hơn bao giờ hết trong chặng đường phát triển sắp tới của Bộ, của ngành và của đất nước

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thậm chí, đầu năm 2020, năm có ý nghĩa rất lớn đối với toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư - bởi sẽ đánh dấu mốc 75 năm thành lập - Thủ tướng còn nói rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đóng vai trò như “một nhà toán học”, phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Và năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã một lần nữa cùng Chính phủ giải các “bài toán khó” của nền kinh tế, như 75 năm qua đã từng. Đó là làm sao đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 - một bài toán vô cùng khó, chưa từng xuất hiện.

Ngay từ khi Covid-19 xuất hiện và sau đó bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình; đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng và tác động của đại dịch, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những định hướng, giải pháp, chính sách phù hợp và kịp thời để ứng phó với dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chủ động nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án “Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Với những nỗ lực đó, bất chấp những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, duy trì được sự ổn định để tạo nền tảng cho sự phục hồi và bứt phá của giai đoạn sau.

Và hành trình 75 năm kiến thiết đất nước

Thực ra, “bài toán khó” mà Thủ tướng đặt ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ là câu chuyện điều hành kinh tế của từng năm. Đầu năm 2019, chính Thủ tướng đã chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở thành nơi mà lần đầu tiên ông chia sẻ về tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.

Và đầu năm nay, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh rằng, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông. “Không ai khác hơn, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”, Thủ tướng nói.

Vai trò, vị thế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa được khẳng định qua nhiệm vụ đặc biệt đó. Nhiệm vụ này, có thể khác tên gọi, nhưng có chung mục đích, đã được giao từ 75 năm về trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Được đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban mới được thành lập khi ấy có vai trò rất lớn là “nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế - tài chính - xã hội - văn hóa”.

75 năm qua, dấu ấn và vai trò kiến thiết của ngành Kế hoạch và Đầu tư không chỉ được ghi nhận trong thời kỳ chiến tranh, khi các kế hoạch như “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, rồi huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến 9 năm được xây dựng, mà còn là thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ Đổi mới và hội nhập sâu rộng sau này của đất nước.

Hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và có được cơ đồ như hôm nay, có đóng góp không nhỏ của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Không chỉ trong xây dựng và thực hiện các Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm, mà còn trong hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Trong mọi mặt của nền kinh tế, đều có dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những dấu ấn đặc biệt ấy, sẽ được Báo Đầu tư truyền tải tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo tại chuyên đề đặc biệt: "Tự hào 75 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư".

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục