Tư duy zero-sum đang phá hoại toàn cầu hoá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỹ đang dẫn đầu một cuộc trượt dốc nguy hiểm trên toàn cầu về hoạt động trợ cấp, kiểm soát xuất khẩu và chủ nghĩa bảo hộ.
Tư duy zero-sum đang phá hoại toàn cầu hoá

Kể từ năm 1945, nền kinh tế thế giới đã vận hành theo một hệ thống quy tắc và chuẩn mực do Mỹ bảo trợ. Điều này mang lại sự hội nhập kinh tế chưa từng có, thúc đẩy tăng trưởng và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhưng ngày nay, hệ thống đó đang gặp nguy hiểm. Các quốc gia đang chạy đua để trợ cấp cho ngành công nghiệp xanh, thúc đẩy sản xuất nội địa và hạn chế dòng chảy của hàng hóa và vốn. Khi lợi ích chung không còn và lợi ích quốc gia được đặt lên trên, kỷ nguyên của tư duy tổng bằng không (zero-sum) đã xuất hiện.

Hệ thống cũ vốn đã bị căng thẳng khi Mỹ không còn quan tâm đến việc duy trì nó sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Nhưng việc Tổng thống Joe Biden từ bỏ các quy tắc thị trường tự do để chuyển sang một chính sách công nghiệp khác biệt hơn đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống đó.

Mỹ đã tung ra các khoản trợ cấp lớn lên tới 465 tỷ USD cho năng lượng xanh, ô tô điện và chất bán dẫn, đi đôi với các yêu cầu rằng sản xuất phải là ở thị trường địa phương. Các quan chức được giao nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư vào thị trường nội địa để ngăn chặn ảnh hưởng quá mức của nước ngoài đối với nền kinh tế. Và các quan chức đang cấm xuất khẩu nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.

Đối với nhiều người ở Washington, chính sách công nghiệp nghiêm ngặt này vẫn có sức hấp dẫn cụ thể. Nó có thể giúp củng cố ưu thế trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ so với Trung Quốc, vì Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp trong các lĩnh vực quan trọng bằng hỗ trợ và sự can thiệp của Nhà nước.

Việc cứu toàn cầu hóa dường như là không thể do xu hướng bảo hộ trong chính trị Mỹ.

Vì việc định giá carbon (công cụ hữu hiệu và khả thi nhằm hướng tới một nền kinh tế carbon thấp) là không khả thi về mặt chính trị nên nó có thể thúc đẩy quá trình khử cacbon. Và điều đó cũng phản ánh hy vọng rằng sự can thiệp của chính phủ có thể thành công khi doanh nghiệp tư nhân thất bại và tái công nghiệp hóa các vùng trung tâm của nước Mỹ.

Tuy nhiên, hậu quả trước mắt là tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn thế giới. Nếu xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Ấn Độ thì chính phủ sẽ giảm một nửa chi phí; nếu xây dựng một nhà máy ở Hàn Quốc thì có thể tận dụng các khoản giảm thuế hào phóng. Năm ngoái, gần 1/3 các giao dịch kinh doanh xuyên biên giới đã thu hút sự chú ý của các quan chức châu Âu. Tuy nhiên, những điều này có thể ngày càng ít xuất hiện hơn khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Xung đột kinh tế với Trung Quốc ngày càng khó tránh khỏi khi Bắc Kinh hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu vào đầu thế kỷ này, với nhiều người ở phương Tây đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở nên cởi mở hơn. Ngày nay, chính quyền Tổng thống Biden lo ngại về nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc về pin giống như cách châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào thời điểm trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang.

Các quan chức Mỹ đều lo lắng rằng, việc Mỹ mất đi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến vào tay Đài Loan (Trung Quốc) sẽ làm suy yếu khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo của nước này, vì các quân đội trong tương lai sẽ dựa vào đó để hoạch định chiến lược và dẫn đường cho tên lửa.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn tới thương mại toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn tới thương mại toàn cầu.

Nếu chính sách zero-sum được xem là thành công, thì việc từ bỏ chính sách đó sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, ngay cả khi tái thiết ngành công nghiệp Mỹ, tác động tổng thể có nhiều khả năng gây hại hơn bằng cách làm xói mòn an ninh toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng và tăng chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh.

Một vấn đề là chi phí kinh tế sẽ gia tăng. The Economist ước tính rằng, việc nhân rộng các khoản đầu tư tích lũy của các công ty trong ngành công nghiệp phần cứng công nghệ, năng lượng xanh và pin toàn cầu sẽ tiêu tốn từ 3.100 tỷ USD đến 4.600 tỷ USD (3,2% đến 4,8% GDP toàn cầu). Tái công nghiệp hóa sẽ làm tăng giá, gây thiệt hại nhiều nhất cho người nghèo. Sao chép chuỗi cung ứng xanh sẽ khiến Mỹ và thế giới tốn kém hơn trong việc loại bỏ carbon. Lịch sử cho thấy một lượng lớn tiền của chính phủ có thể bị lãng phí.

Một vấn đề khác là sự bất mãn của các quốc gia đồng minh tiềm năng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ nhận ra rằng lợi ích của nước này nằm ở việc ủng hộ sự cởi mở trong thương mại toàn cầu. Kết quả là họ theo đuổi toàn cầu hóa và đến năm 1960, Mỹ chiếm gần 40% GDP toàn cầu bằng đô la.

Ngày nay, tỷ trọng GDP của Mỹ đã giảm xuống còn 25% và nước Mỹ cần bạn bè hơn bao giờ hết. Lệnh cấm xuất khẩu sang các nhà sản xuất chip của Trung Quốc sẽ chỉ có tác dụng nếu công ty ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản cũng từ chối cung cấp thiết bị cho Trung Quốc. Chuỗi cung ứng pin cũng sẽ an toàn hơn nếu thế giới dân chủ hoạt động như một khối. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ đang khiến các đồng minh ở châu Âu và châu Á khó chịu.

Mỹ cũng phải lôi kéo các cường quốc mới nổi. Goldman Sachs dự đoán đến năm 2050, Ấn Độ và Indonesia sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới. Cả hai đều là nền dân chủ nhưng không phải là bạn thân của Mỹ. Đến năm 2075, Nigeria và Pakistan cũng sẽ giành được ảnh hưởng kinh tế. Nếu Mỹ yêu cầu các quốc gia khác đóng băng Trung Quốc mà không cung cấp đủ khả năng tiếp cận thị trường của chính họ thì nước này sẽ bị các cường quốc đang trỗi dậy từ chối.

Lo lắng cuối cùng là xung đột kinh tế càng gia tăng thì càng khó giải quyết các vấn đề đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Mặc dù chạy đua để bảo đảm công nghệ xanh, các quốc gia đang tranh cãi về cách giúp các nền kinh tế nghèo hơn khử cacbon. Nếu các quốc gia không thể hợp tác để giải quyết một số vấn đề, thì những vấn đề này sẽ trở nên không thể khắc phục được và thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả tương ứng.

Không ai mong đợi nước Mỹ quay trở lại những năm 1990. Việc tìm cách duy trì ưu thế quân sự và tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các đầu vào kinh tế quan trọng là điều đúng đắn. Tuy nhiên, điều này làm cho các hình thức hội nhập toàn cầu khác trở nên cần thiết hơn. Họ nên tìm kiếm sự hợp tác sâu sắc nhất có thể giữa các quốc gia, dựa trên các giá trị tương ứng. Ngày nay, điều này có thể đòi hỏi một số hiệp định chồng chéo và các giao dịch đặc biệt. Chẳng hạn, Mỹ nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại dựa trên một thỏa thuận trước đó mà Mỹ đã giúp soạn thảo nhưng sau đó bị hủy bỏ.

Việc cứu toàn cầu hóa dường như là không thể do xu hướng bảo hộ trong chính trị Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy mức độ phổ biến của thương mại tự do đang phục hồi. Có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang đáp lại những lo ngại của các đồng minh về các khoản trợ cấp của họ.

Tuy nhiên, việc giải cứu trật tự toàn cầu sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo táo bạo hơn của Mỹ, một lần nữa bác bỏ lời hứa sai lầm về tư duy tổng bằng không. Vẫn còn thời gian để điều đó xảy ra trước khi hệ thống sụp đổ hoàn toàn, gây thiệt hại cho vô số sinh kế và gây nguy hiểm cho nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường. Đó là một nhiệm vụ rất to lớn và cấp bách.

Vũ Duy Bắc
Theo The Economist

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục