Tư duy không giới hạn ngành

Trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn tất 84 đầu việc để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Núi công việc xếp hàng

Nhiệm vụ xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh sân golf được nêu trong Chỉ thị 01/2018/CT-BKHĐT được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm danh ngay tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đây chỉ là 1 trong 50 nhiệm vụ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn tất trong năm 2018, theo phân giao nhiệm vụ của Chính phủ tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chi tiết thành 84 đầu mục công việc, giao các đơn vị thực hiện tại Chỉ thị 01/2018/CT-BKHĐT vừa ký ban hành và được phát rộng rãi tại Hội nghị.

Vấn đề không chỉ nằm ở khối lượng rất lớn công việc, mà như ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An nói, các đầu việc này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương.

Chẳng hạn, việc nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công như Luật Đầu tư công, các nghị định hướng dẫn và triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật về đầu tư công sẽ phải hoàn tất trong tháng 2/2018.

“Để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, trong quá trình sửa Luật Đầu tư công sắp tới, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bỏ bước trình HĐND ở các vòng đầu xây dựng kế hoạch, chỉ đến khi có dự kiến thông báo nguồn vốn cho địa phương để phân bổ mới phải trình HĐND thông qua”, ông Độ đề xuất.

Theo quy định của Luật Đầu tư công về trình tự lập, thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải trình qua nhiều cấp, đặc biệt là trình HĐND rất nhiều lần. Trong khi đó, theo ông Độ, thực tế các vòng đầu là bước xây dựng nhu cầu, chưa có số liệu dự kiến thông báo, nên việc trình nhiều cấp sẽ mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao.

Khá nhiều địa phương cũng có ý kiến về việc cho phép sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn để xử lý nhu cầu cấp bách phát sinh ngoài kế hoạch trung hạn. Hiện tại, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020) của cả nước, cũng như của từng địa phương đã được thông qua, nhưng hàng năm vẫn phát sinh nhu cầu cần xử lý.

Cũng phải nói thêm, công tác kế hoạch hóa đã được đổi mới theo hướng địa phương đăng ký kế hoạch, thay vì giao kế hoạch đầu tư công hàng năm. Trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm, các địa phương phân bổ và đăng ký kế hoạch hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm công tác kiểm tra, giám sát và chuyển trọng tâm sang xây dựng cơ chế, chính sách.

Đặc biệt, kế hoạch năm 2018 đã được phân giao đúng hạn (ngày 29/12/2017), nhờ toàn bộ kế hoạch của 63 địa phương được xây dựng, tổng hợp, rà soát và giao qua phần mềm Hệ thống Thông tin đầu tư công quốc gia. Cùng với đó, việc tích hợp các công cụ để chuẩn hóa và lượng hóa các quy định, nguyên tắc, tiêu chí rà soát kế hoạch sẽ cảnh báo những dự án không có trong trung hạn, các địa phương cũng không thể nhập dự án sai quy định vào hệ thống.

Bởi vậy, những đề xuất liên quan để điều chỉnh cơ chế, chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tác động rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương.

Tuy duy… không giới hạn ngành

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã không sử dụng bài phát biểu được in rất đẹp trong kỷ yếu của Hội nghị, thay vào đó là trình bày ý kiến cá nhân về vai trò của ngành kế hoạch và đầu tư nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.

“Tư duy của những người làm ngành kế hoạch và đầu tư không nên chỉ gắn với hai chữ kế hoạch và đầu tư, mà cần rộng hơn, vượt ra khỏi giới ngành, gắn với yêu cầu của cải cách thể chế, yêu cầu phát triển đất nước”, ông lý giải.

Chưa bàn tới nhiệm vụ của cơ quan tham mưu tổng hợp, chỉ nhìn vào việc phải hoàn tất trong năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao trùm nhiều lĩnh vực lớn, như hướng dẫn Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất chương trình xây dựng Luật về PPP… đã thấy được những đòi hỏi rất lớn về thay đổi tư duy, hành động trong phương thức quản lý nhà nước.

Cộng với đó, nền kinh tế đang đòi hỏi tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững, không để phát triển phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô; đòi hỏi phải đảm bảo được cân đối tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, giải phóng sức sản xuất, nguồn lực từ tư nhân, khai thác khu vực FDI có chọn lọc.

Theo ông Cung, từng nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải được thực hiện với tư duy cải cách, xử lý các nút thắt của quá trình phát triển; thúc đẩy và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và phát triển của nền kinh tế… Ngay cả trong cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh, quá trình đấu tranh không hề đơn giản.

Gần 20 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vai thư ký của Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đã kiên trì rà soát, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhưng, cũng đến tận năm 2018, với việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực (tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công thương quản lý), lần đầu tiên, có một bộ quản lý chuyên ngành tự đề xuất danh sách này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc tới vai trò của Tổ Công tác khi yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã đến lúc phải chạm vào những phần khó khăn, nhạy cảm nhất - như Thủ tướng đặt câu hỏi - là lãnh đạo bộ, ngành có dám từ bỏ quyền lực để phục vụ sự phát triển của người người dân, doanh nghiệp hay không.

Sự chậm trễ trong thực hiện khá nhiều mục tiêu của Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã chứng tỏ cuộc giằng xé này vẫn chưa chấm dứt.

“Tôi tin là lúc này, chúng ta cần một tầm nhìn, một cam kết chính trị phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Tôi kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tập hợp một nhóm chuyên gia độc lập nghiên cứu, đề xuất trong thời hạn sớm nhất có thể đề án hình thành cơ quan chủ trì tham mưu về cải cách và phát triển đủ mạnh của Chính phủ”, ông Cung đề xuất.

Nhưng trong khi các đề xuất được xem xét, các nhiệm vụ cần phải hoàn tất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải được thực hiện theo tư duy phát triển này.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục