Tư duy khác biệt, chìa khóa tạo thành công của các doanh nghiệp

(ĐTCK) Vượt ra khỏi những định hướng thông thường, tư duy kinh doanh khác biệt, bỏ qua lối mòn, mở lối tiên phong, đã giúp các doanh nghiệp như MSN, VCS, AAA, QNS, IMP… nhanh chóng vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và tăng tốc trong giai đoạn thị trường thuận lợi.
Tư duy khác biệt giúp nhiều doanh nghiệp phát triển bứt phá. Tư duy khác biệt giúp nhiều doanh nghiệp phát triển bứt phá.

MSN: Tìm kiếm cơ hội từ khủng hoảng

Năm 2017, ngành chăn nuôi nói chung và những người chăn nuôi lợn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khi giá lợn hơi có lúc giảm đến 2/3 giá trị chỉ trong vài tháng, kéo theo giá bán lợn giống và giá các sản phẩm chăn nuôi khác như gà, vịt, trứng… giảm mạnh.

Giá bán giảm, tiêu thụ khó khăn, người chăn nuôi giảm quy mô đàn khiến tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn lâm vào tình cảnh khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) cũng không phải là ngoại lệ. Doanh thu, lợi nhuận của Masan Nutri-Science - công ty con trong mảng nông nghiệp của MSN giảm mạnh, kéo doanh thu, lợi nhuận trước thuế của MSN lần lượt giảm 13,1% và 6,9% trong 2017, sau 4 năm liên tiếp tăng trưởng.

Tiêu thụ khó khăn, biên lợi nhuận thu hẹp, nhưng khi mà nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cắt lỗ và ngừng đầu tư bởi khủng hoảng thì MSN lại có bước đi ngược lại. Kết thúc năm 2017, thị phần thức ăn chăn nuôi cho lợn ngoài trại gia công của MSN tăng từ 30% lên khoảng 35%.

Trong năm 2017, MSN đã đưa trang trại nuôi lợn tại Nghệ An với quy mô 230.000 - 250.000 con lợn thịt/năm vào hoạt động và khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam với công suất 140.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MSN chia sẻ: “Theo lẽ thường tình, chúng ta phải cắt lỗ và ngừng đầu tư khi giá lợn hơi giảm mạnh. Tuy nhiên, chúng ta đã làm điều ngược lại, vì chúng ta tin rằng đây là cơ hội để gia tăng thị phần. Lợi nhuận có thể chưa ấn tượng vào lúc này, nhưng khi thị trường chăn nuôi tăng trưởng trở lại, sẽ mang lại lợi nhuận xứng đáng”.

Thực tế, cổ đông của MSN đã không phải chờ lâu để định hướng của Ban lãnh đạo chứng minh tính hiệu quả. Sự phục hồi của giá lợn trong năm 2018, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay được dự báo sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận của MSN sớm bứt phá, khi thị phần đã được mở rộng.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên MSN thành công nhờ kiên định trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn. Trong thời kỳ giá Vonfram duy trì ở mức thấp từ năm 2017 trở về trước, MSN đã kiên nhẫn gia tăng tỷ trọng nắm giữ tại Công ty cổ phần Khoáng sản Masan (MSR), doanh nghiệp sở hữu mỏ Núi Pháo - một trong những mỏ Vonfram lớn nhất thế giới.

Trái ngọt đã đến với MSN trong năm 2018 khi giá Vonfram tăng mạnh, giúp doanh thu, lợi nhuận của MSR nửa đầu năm tăng lần lượt 26,5% và 393% so với cùng kỳ 2017 và đóng góp chung vào kết quả của Tập đoàn.

“Tăng trưởng của Masan rất ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà chúng ta đã đạt được những kết quả này. Tăng trưởng này là kết quả của việc chúng ta đã giữ vững niềm tin vào chiến lược dài hạn từ 5 năm trước và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng cũng như khi đối mặt với các khó khăn”, ông Nguyễn Đăng Quang nói. 

QNS: Thị trường ngách, mở lối thành công

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) là một ví dụ điển hình cho câu chuyện thành công trên thị trường ngách, phân khúc mà nhiều doanh nghiệp lớn bỏ qua, hoặc ít chú ý.

Đúng như tên Công ty, Đường Quảng Ngãi là một doanh nghiệp khởi đầu chuyên sản xuất đường. Tuy nhiên, thành công đáng chú ý nhất và làm lên tên tuổi của QNS ngày hôm nay không phải là đường, mà là việc trở thành doanh nghiệp số 1 thị trường sữa đậu nành Việt Nam.

Trên thực tế, QNS đã có lịch sử kinh doanh sữa từ năm 1997 khi thành lập Nhà máy sữa Trường Xuân, sản xuất - kinh doanh các sản phẩm sữa truyền thống như sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, kem. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khiến mảng kinh doanh sữa của QNS không mấy hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Bước ngoặt chỉ đến sau khi QNS nhận thấy thị trường sữa đậu nành là phân khúc tiềm năng, trong khi các đối thủ hầu như bỏ ngỏ, Công ty đã thay đổi chiến lược với mục tiêu chỉ tập trung vào sản phẩm sữa đậu nành mang thương hiệu Vinasoy và Fami.

Với hướng đi này, Vinasoy đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, vươn lên vị trí số 1 thị trường sữa đậu nành cả nước kể từ năm 2010. Sữa đậu nành trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp vào thành tích tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế bình quân 19% và 32,2% của QNS trong giai đoạn 2009 - 2017. Tính đến tháng 9/2018, số liệu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, thị phần trong mảng sữa đậu nành của QNS là 84,5%. 

IMP và câu chuyện đi trước đón đầu

Thành công từ thị trường chuyên biệt cũng là câu chuyện về hướng đi của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpham (IMP).

Phần lớn doanh nghiệp dược phẩm trong nước tham gia sản xuất các dòng thuốc phổ thông, các loại thực phẩm chức năng… có biên lợi nhuận cao, sản lượng tiêu thụ lớn, nhưng thiếu ổn định. Nhưng với IMP, từ những năm 2012 - 2013, Ban lãnh đạo Công ty quyết định tập trung phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, chấp nhận giá bán cao hơn so với các đối thủ, làm chiến lược trong dài hạn.

Sau thời gian dài đầu tư, đến tháng 9/2016, IMP đã có được những thành quả đầu tiên là 2 nhà máy Cephalosporin và Penicillin tại Bình Dương trở thành những nhà máy dược Việt Nam đầu tiên được Cơ quan Quản lý dược phẩm, Bộ Y tế Tây Ban Nha (AEMPS - SPAIN) cấp chứng nhận EU-GMP. Qua đó, IMP chính thức đặt chân vào phân khúc thuốc cao cấp, vốn là sân chơi chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Không những là một trong những doanh nghiệp dược nội địa đầu tiên đủ khả năng tham gia vào thị trường thuốc kê toa của các gói thầu Generics Nhóm 1 và Nhóm 2, giờ đây thuốc của IMP còn có thể xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ...

Năm 2017, doanh thu, lợi nhuận trước thuế của IMP tăng 16%, gấp đôi mức tăng bình quân 7 - 8% của giai đoạn 2014 - 2016. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Công ty đạt 690 tỷ đồng doanh thu thuần, 104,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 4,8% và 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện IMP đang đầu tư thêm hai nhà máy EU-GMP với tổng vốn khoảng 650 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2019 - 2020.

Trong báo cáo phân tích tháng 8/2018, Công ty Chứng khoán MB ước tính, lợi thế về công nghệ của IMP sẽ được duy trì ít nhất từ 3 - 5 năm tới và IMP sẽ là đơn vị duy nhất có khả năng cung ứng các hoạt chất phức tạp và thuốc bào chế đặc trị cho kháng sinh và các bệnh như ung thư, tim mạch…, với quy mô lớn nhất cả nước trong 5 năm tới. MBS cũng dự báo, doanh thu của IMP sẽ tăng từ 14%/năm trong giai đoạn 2018 - 2019 và tăng từ 15,6%/năm trong các năm sau. 

VCS, AAA: Chinh phục thị trường quốc tế trước

Tạo dựng chỗ đứng trên thị trường nội địa trước khi bước ra sân chơi quốc tế là chiến lược được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Điều này dễ hiểu, bởi trên sân nhà, doanh nghiệp có nhiều lợi thế, từ am hiểu khách hàng, đối thủ, nhà cung cấp đến nguồn vốn, chính sách…

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đảo ngược quy trình khi sớm chọn giấc mơ vươn ra biển lớn, cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, khẳng định giá trị thương hiệu trước khi trở về chinh phục thị trường nội địa. Vicostone hay AAA là những ví dụ tiêu biểu.

Công ty cổ phần Vicostone là một trong những doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo hàng đầu thế giới, sản phẩm chinh phục nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Bỉ, Canada, Anh… Gần như toàn bộ doanh thu của Vicostone đến từ xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu trên doanh thu đạt hơn 98% trong giai đoạn 2014 - 2017.

Sau những thành công trên thị trường quốc tế, Ban lãnh đạo Công ty mới tính đến chinh phục thị trường nội địa, với mẫu mã và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, được công nhận bằng các giải thưởng uy tín. Thị trường nội địa được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Công ty hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kép 20%/năm ít nhất đến năm 2020.

Tương tự, Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) một trong các nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất trong khu vực, với 7 nhà máy đang hoạt động, có khả năng cung cấp 96.000 tấn sản phẩm/năm tính đến cuối năm 2017, toàn bộ 100% bao bì sản xuất được xuất khẩu tới các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, châu Phi...

Thành công trên thị trường thế giới, AAA lên kế hoạch đầu tư Nhà máy số 8 sản xuất bao bì tự hủy sinh học, bao bì màng nhiều lớp và Nhà máy số 9 nhằm sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ cao, nhựa ép phun, nhựa chi tiết phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, vốn là thị trường nhiều tiềm năng nhưng còn bị bỏ ngỏ.

Trong bối cảnh hơn 80% công ty nhựa trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, AAA được dự báo sẽ sớm thành công tại thị trường nội địa, với uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, lợi thế về quy mô. Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhận định: “AAA là khoản đầu tư tiềm năng trong dài hạn nhờ kinh nghiệm quản lý và chất lượng sản phẩm cũng như chiến lược chủ động mở rộng vào các sản phẩm có tỷ suất sinh lời cao hơn”.

Khắc Lâm
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục