Bên trong khu nhà máy trị giá 16 tỷ nhân dân tệ (2,4 tỷ USD) là khu vực sản xuất khổng lồ nhưng ít thấy sự xuất hiện của con người. Một vài kỹ sư người Đức đi lại xung quanh, đảm bảo các thiết bị đang chạy đúng công suất.
Đây chính là hình ảnh hiện tại của ngành công nghiệp từng giúp hàng triệu cư dân châu Á thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, nó cũng là hình ảnh gây lo ngại, bởi tự động hóa có thể ngăn chặn con đường thoát nghèo của các quốc gia châu Á đang phát triển trong thời gian tới.
Nhà máy của Jinsheng có diện tích gần 15 triệu feet vuông, gấp 5 lần diện tích mặt sàn của tòa nhà Empire State, nhưng chỉ cần vài trăm công nhân sản xuất mỗi ca. Pan Xueping, Chủ tịch và CEO Công ty cho biết: “May mặc từng là ngành phụ thuộc lớn vào lợi thế lao động, nhưng chúng tôi đã thay đổi. Thay vì chuyển hoạt động sản xuất tới bất cứ nơi nào có nguồn nhân công giá rẻ, ngành may mặc hiện nay có thể xây dựng được những nhà xường hoàn toàn không có công nhân”.
Công ty của Pan Xueping đang dẫn đầu xu hướng có thể tàn phá tương lai của các quốc gia đang phát triển tại châu Á. Các ngành sản xuất chi phí thấp như may mặc, giày dép là nấc thang đầu tiên mà các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đi qua và nhiều quốc gia khác cũng sử dụng để vượt qua đói nghèo sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Hàng thập kỷ qua, các nền kinh tế đã tuần tự đi theo những nấc thang, từ ngành sản xuất chi phí thấp như may mặc bước sang các ngành công nghiệp tinh vi hơn như điện tử, các quốc gia nghèo khó hơn lại lấp vào chỗ trống này với việc phát triển ngành may mặc, cung cấp nguồn lao động giá rẻ tại các công xưởng truyền thống.
Hiện tại, Bangladesh, Campuchia và Myanmar là các quốc gia châu Á đã tiến tới nấc thang phát triển đầu tiên tại lĩnh vực may mặc, nhưng tự động hóa đang chặn đường đi của họ. Cánh cửa đang đóng lại với các quốc gia phát triển, họ không có cơ hội mà những quốc gia như Trung Quốc từng có trong quá khứ.
Thực tế, thay vì mở các nhà máy và tuyển dụng nhiều nhân công tại các quốc gia như Campuchia, Myanmar, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cần mở rộng việc xây dựng các nhà xưởng được tự động hóa toàn bộ tại quê nhà.
Quá trình chuyển đổi này dường như đang diễn ra rất nhanh. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, một cuộc thay thế trên diện rộng các nhân công tay nghề thấp bằng robot có thể diễn ra chỉ trong 2 năm tới. Nhìn chung, hơn 80% công nhân tại lĩnh vực may mặc khu vực Đông Nam Á đối diện nguy cơ mất việc cao vì tự động hóa, theo Chang Jaehee, nhà nghiên cứu tại ILO.
Ngay tại thời điểm này, các robot đã hiện diện tại phần lớn các nhà sản xuất hàng hóa như ô tô, máy bay, thay thế việc làm dành cho các kỹ sư. Quá trình ứng dụng tự động hóa vào các ngành như may mặc mất nhiều thời gian hơn, bởi hiện tại ít có máy móc nào có thể sánh với sự khéo léo của con người, tuy nhiên, trong tương lai chắc chắn sẽ có sự thay đổi.
Hãng sản xuất đồ thể thao khổng lồ Adidas AG đã chuyển việc sản xuất một số sản phẩm giày sang các xưởng tự động hóa cao tại quê nhà ở Ansbach, Đức, đồng thời có kế hoạch bắt đầu chuyển sang sản xuất với quy mô lớn hơn trong năm nay. Công ty này đã công bố kế hoạch mở thêm các nhà xưởng tương tự tại Mỹ. Trong tháng 5, Shandong Ruyi Technology Group Co, chủ sở hữu các nhãn hàng sang trọng như Sandro và Maje vừa thông báo kế hoạch đầu tư 410 triệu USD vào các nhà máy may tại Forrest City, Mỹ.
Với diễn biến này, kẻ thua cuộc chính là các quốc gia đang phát triển tại châu Á, nơi vẫn đang trông đợi vào các ngành sản xuất sử dụng số lượng lớn nhân công. Điển hình, trong bối cảnh mức lương tăng cao tại Trung Quốc, nhà sản xuất Transit Luggage Co có 2 sự lựa chọn: chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, nơi có chi phí nhân công thấp hơn hoặc đầu tư vào tự động hóa tại quê nhà.
Công ty này đã lựa chọn phương án 2. Hiện tại, một robot có thể đảm bảo đầu ra như 30 nhân công làm việc, Yang Yuanping, giám đốc bán hàng của Transit Luggage cho biết. Kết quả là, Công ty thuê ít nhân viên hơn từng làm trong 1 thập kỷ trước đây, trong khi sản lượng tăng gấp 3 lần.