Từ Đại hội VI đến Đại hội XII của Đảng

Đại hội Đảng XII chính thức khai mạc sáng mai, 21/1/2016. Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, nhận được sự quan tâm của các tầng lớp dân cư từ những người lao động chân tay đến tầng lớp trí thức, từ công chức, viên chức đến cán bộ hưu trí.
Người dân theo dõi diễn biến của Đại hội XII với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của dân tộc trên con đường chấn hưng kinh tế và hội nhập có hiệu quả Người dân theo dõi diễn biến của Đại hội XII với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của dân tộc trên con đường chấn hưng kinh tế và hội nhập có hiệu quả

Đại hội Đảng quyết định đường lối, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách đối ngoại và phương thức ứng xử với các quốc gia và khu vực. Người dân quan tâm hơn đến việc lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng, nhất là những người giữ các chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, cầm lái con tàu Việt Nam hướng ra đại dương đầy sóng gió.

Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) được lịch sử Việt Nam ghi nhận tạo sự chuyển hướng có tầm chiến lược bằng cách đoạn tuyệt cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp không có hiệu quả để chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đó là một quá trình diễn ra trong 5 năm, từ Đại hội V (1981) đến Đại hội VI (1986), từ những thử nghiệm kinh tế vĩ mô bằng các cuộc “cải cách giá – lương – tiền”, những thử nghiệm ở hợp tác xã nông nghiệp như “khoán sản phẩm đến hộ và người lao động”, ở xí nghiệp công nghiệp như “kế hoạch ba phần”: Nhà nước (chỉ tiêu pháp lệnh), xí nghiệp (chỉ tiêu hướng dẫn) và thị trường (ngoài hai phần trên), cộng thêm tình trạng “phá rào” của nhiều địa phương, không thực hiện theo chỉ dẫn của Trung ương. Điển hình như tỉnh Long An với cơ chế “bù giá vào lương và bán hàng hóa theo sát giá thị trường”, xóa bỏ tem phiếu và giá bao cấp; tỉnh An Giang mua nông sản của nông dân và bán hàng công nghiệp đối lưu sát giá thị trường, bỏ giá nghĩa vụ và giá đối lưu quá thấp…

Chính nhờ những quyết sách lớn của Đảng, với tinh thần thật sự cầu thị, khoa học “nhìn thẳng vào sự thật”, đoạn tuyệt với “đứa con tinh thần” đã gắn bó với mình trong hơn ba thập niên kể từ khi miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1955, mà diện mạo đất nước đã thay đổi cơ bản, thoát ra khỏi cảnh một đất nước nghèo nàn đến mức cả nước làm không đủ ăn để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp).

Có thể chúng ta chưa nhất trí với nhau về những gì đáng ra có thể đạt được nhiều hơn: tốc độ tăng trưởng cao hơn, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn, bất bình đẳng xã hội thu hẹp hơn, tệ nạn xã hội giảm hơn; nhưng cũng cần  khách quan nhận ra rằng, giai đoạn đầu chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn khá mới mẻ với nhiều người, kể cả những người hoạch định chính sách kinh tế, do đó có hạn chế nhất định trong tư duy chiến lược và chỉ đạo hành động. Thường thì, mong muốn luôn cao hơn khả năng và điều kiện thực hiện dẫn đến nuối tiếc, suy tư, nhất là những lần bỏ lỡ thời cơ do chần chừ khi ra quyết sách.

Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận sự biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội trong gần ba thập niên kể từ khi Đại hội VI và 5 đại hội tiếp đó (từ Đại hội VII đến Đại hội XI) đã từng bước hoàn chỉnh đường lối và định hướng của Đại hội VI. Những thành tựu kinh tế - xã hội đã được đại bộ phận nhân dân Việt Nam ghi nhận và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Liên hợp quốc nhận định: “Trong giai đoạn 2006 – 2015, Việt Nam đã vươn mình từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một nền kinh tế dựa trên thị trường và ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu; từ một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Điều này là nhờ chiến lược và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, trong đó chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định”.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2006 - 2015, trong đó xuất khẩu vẫn là cỗ máy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh. An sinh xã hội và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam là một trong số ít quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều “Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” (MDGs) của Liên hợp quốc, với thành tích tăng trưởng nhanh mà không kéo theo bất bình đẳng lớn.

Nhờ có thành tựu đó mà vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao, đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới. Từ khi tham gia ASEAN (năm 1995) và AFTA (năm 1996), nước ta đã đóng góp ngày càng có trọng lượng vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh trong khu vực cũng như quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN. Việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng khẳng định vị thế của nước ta trên thế giới.

Khi nói về TPP, các cơ quan truyền thông thường thiên về cách tiếp cận cơ hội và thách thức; nhưng hầu như không có ai đặt vấn đề: vì sao Việt Nam được tham gia nhóm 12 nước đồng sáng lập TPP (?). Nếu không có GDP trên 200 tỷ USD, đứng thứ 30 trong số 37 nước có kim ngạch xuất khẩu từ 100 tỷ USD trở lên và quan hệ chính trị với những nước lớn tham gia TPP, thì Việt Nam có là nước đồng sáng lập hiệp định này không (?). Chắc chắn câu trả lời là không.

Đại hội XII của Đảng được kế thừa và tiếp tục hoàn chỉnh đường lối và định hướng phát triển đất nước của 6 đại hội trước, điều chỉnh Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 do Đại hội XI đề ra, xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trên cơ sở kết quả của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm sắp đến.

Người dân hy vọng, Đại hội XII của Đảng đề ra quyết sách đẩy nhanh hơn đổi mới và hội nhập quốc tế để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, mức sống của các tầng lớp dân cư không ngừng được nâng lên, môi trường sống và lao động được cải thiện theo hướng “kinh tế xanh”, xích gần hơn và đuổi kịp nhanh hơn trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực.

Nguyện vọng chính đáng đó xuất phát từ một mặt, nước ta đã tạo ra được cơ hội mới và môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Đó là ổn định chính trị, an toàn xã hội, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao nhất khu vực và hiệu quả kinh tế đã được nâng lên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất ổn, nhiều nước ASEAN đang đối mặt với nạn khủng bố, xung đột sắc tộc, đảng phái, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, kinh tế vĩ mô bất ổn. Mặt khác, mặc dù khoảng cách về trình độ phát triển đã được thu hẹp, nhưng Việt Nam vẫn là nước có trình độ phát triển thấp hơn so với một số nước trong khu vực. Điều đó được thể hiện GDP/người của nước ta so với một số nước ASEAN từ năm 2006 (trước khi gia nhập WTO) và năm 2015. (Xem bảng)

Người dân cũng kỳ vọng Đại hội XII của Đảng đề ra được định hướng và giải pháp về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đặt trên căn bản lợi ích dân tộc trong một thế giới đầy biến động và khó dự báo, xử lý có hiệu quả các mối quan hệ đối ngoại như độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nội lực và ngoại lực, chủ quyền quốc gia và hợp tác cùng phát triển, lợi ích quốc gia và lợi ích Cộng đồng ASEAN. Đó là những vấn đề vừa có tính chiến lược liên quan đến định hướng phát triển dài hạn của đất nước, vừa có tính thời sự liên quan đến kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 và trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

Để có các quyết sách đúng của Đảng và Nhà nước đối với từng vấn đề trọng đại đó thì cần có cơ chế và chính sách thích hợp để khai thác trí tuệ của người Việt Nam bằng cách tạo ra môi trường thật sự dân chủ, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia với tư cách cá nhân và với tư cách cộng đồng, hiến kế cho Đảng và Nhà nước để xử lý có hiệu quả các mối quan hệ đó.

Đảng ta luôn nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - đó là phương châm đã được thực tế kiểm nghiêm là đúng đắn. Những nơi, những lúc tôn trọng nguyện vọng của dân, công khai, minh bạch những thông tin về các vấn đề kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại, cũng như từng dự án đầu tư để dân biết thì lôi kéo được dân chúng tự giác tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh; trái lại bưng bít thông tin dân cần biết sẽ gây ra phản ứng từ thấp đến cao của người dân và cộng đồng dân cư.

Do đó, trong điều kiện thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân mong muốn Đại hội Đảng đề ra định hướng áp dụng trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội  phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để sau Đại hội, các cơ quan nhà nước hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách, cơ chế tổ chức bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong quá trình tham gia hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội.

Quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng đã diễn ra hơn một năm, từ khi tổ chức đại hội cơ sở đảng đến đại hội các đảng bộ và đại hội tỉnh, thành phố. Người dân đã tham gia bằng nhiều cách vào văn kiện của Đảng, phát biểu ý kiến về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và nhân sự các cấp bộ đảng. Đó là đợt sinh hoạt chính trị trên phạm vi rộng lớn, nếu chắt lọc từ trong đó chắc chắn sẽ tìm được những kiến nghị và giải pháp có giá trị để Đại hội XII của Đảng hoàn chỉnh văn kiện chính trị và kinh tế, đồng thời lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, có tâm, có tầm vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Người dân theo dõi diễn biến của Đại hội XII với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của dân tộc trên con đường chấn hưng kinh tế và hội nhập có hiệu quả trong Cộng đồng ASEAN và với thế giới.

GS - TSKH Nguyễn Mại
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục