Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của cả dân tộc. Ý nghĩa của sự kiện trọng đại này trước hết nằm ngay ở chủ đề chính của Đại hội. Đó là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Vượt qua ý nghĩa của một kỳ Đại hội Đảng được tổ chức 5 năm một lần, điều nhân dân trông chờ không chỉ là sau Đại hội, một bộ máy chính trị mới được thành lập với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đủ đức, đủ tài, có tầm nhìn xa trông rộng để lãnh đạo đất nước, mà còn là các quyết sách quan trọng liên quan đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới cũng như trong tương lai, cùng chính sách đối ngoại và phương thức ứng xử với các quốc gia và khu vực.
Theo chương trình nghị sự kéo dài tới ngày 28/1/2016, Đại hội XII sẽ nhìn lại những thành tựu, những tồn tại của giai đoạn từ 1986 đến nay; kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011-2015); quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016-2020…Đại hội cũng bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Cơ quan này sẽ lần lượt bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng và Tổng bí thư.
Có thể nói, sau những thành công quan trọng của 30 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội to lớn để tiến thêm một bước trong chặng đường phát triển của mình. Một giai đoạn phát triển mới đang mở ra khi Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng ASEAN, với một trong ba trọng tâm là Cộng đồng Kinh tế ASEAN; đồng thời đã và đang tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó điểm nhấn quan trọng là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cơ hội rất lớn, nhưng thách thức đan xen cũng không hề nhỏ, nhất là khi kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, những căng thẳng về địa - chính trị trong khu vực cũng như trên toàn cầu diễn biến phức tạp và tác động không nhỏ tới Việt Nam. Bước tiếp hay tụt hậu là phụ thuộc rất lớn vào đường lối, chủ trương, quyết sách ở kỳ đại hội này.
30 năm trước, một bước ngoặt lịch sử đến với Việt Nam khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công công cuộc Đổi mới. Nhờ vậy, Việt Nam mới có được vị thế ngày hôm nay, từ một nước đói nghèo, lạc hậu sau chiến tranh, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, là bạn bè và đối tác tin cậy của hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới. Nay, vận hội mới đang tiếp tục mở ra. Đổi mới hay là chết - khẩu hiệu của Đại hội VI có lẽ cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Không gọi đây là một công cuộc Đổi mới lần hai, song qua các bài trả lời phỏng vấn của giới truyền thông cách đây 2 ngày, thông điệp đã được đưa ra, đó là Đại hội Đảng XII sẽ tiếp tục tinh thần Đổi mới của 30 năm đổi mới vừa qua. Chủ đề chính của Đại hội XII cũng nhấn mạnh nội dung “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới ở Việt Nam”.
Đổi mới là trong văn kiện trình Đại hội lần này, các vấn đề liên quan đến hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh, được thống nhất nhận thức trong toàn Đảng.
Đổi mới là trong chủ đề của văn kiện Đại hội có bổ sung một số điểm như cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đã có thêm “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”, đồng thời với “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” có “giữ vững môi trường hoà bình ổn định”… Và Đổi mới là không có mốc thời gian đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, mà là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”…
Khát vọng Đổi mới, khát vọng đưa Việt Nam ngày một thịnh vượng hơn một lần nữa được thắp lên, ngời sáng. Vì thế, cán bộ, Đảng viên và nhân dân cả nước đang rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội.