Bài 3: Kéo gần khoảng cách từ chính sách đến thực thi
Chính sách dù kịp thời, đúng đắn đến đâu mà thực thi kém hiệu quả, thì cũng làm giảm đi ý nghĩa, đôi khi còn gây “tác dụng ngược”. Chính vì thế, kéo gần khoảng cách từ chính sách đến thực thi là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
“Nốt trầm” sau các quyết sách mạnh mẽ
Tại Kỳ họp thứ năm (dự kiến khai mạc ngày 22/5 tới), Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Như đã nói, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 (Nghị quyết 30) của Quốc hội đã được Đoàn giám sát chuyên đề này đề cập với hai chữ “đặc biệt”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội quyết định để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong năm 2024. Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là một trong 4 chuyên đề đó.
Không cần chờ đến khi kết quả được thảo luận tại nghị trường, mà ngay trong quá trình giám sát, bên cạnh tác động tích cực, thì những “nốt trầm” của những quyết sách chưa từng có tiền lệ của Quốc hội (Nghị quyết 30 và Nghị quyết 43) đã được nhìn nhận.
Với Nghị quyết 30, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại Kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2022, thời điểm mà những cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách được quy định tại nghị quyết này chuẩn bị hết hiệu lực (ngày 31/12/2022). Song, chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vẫn chưa thanh toán xong, mà lý do không phải là thiếu tiền, thiếu kinh phí.
Một số chính sách đặc thù khác cũng được triển khai chậm, hoặc kém hiệu quả. Vì thế, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai (đầu tháng 1/2023), Quốc hội đã phải cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống Covid-19 và gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn.
Với Nghị quyết 43, vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội hơn một lần “bật đèn xanh” là sẵn sàng họp ngoài giờ, họp bất thường để xem xét, vẫn rất ì ạch.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% (tối đa 40.000 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại gần như đã “phá sản”, bởi đến hết năm 2022 mới giải ngân được 0,3%, dù theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là chính sách được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau Covid-19.
Dân gian vẫn nói là giám thì phải sát, mà sát thì phải giám, nôm na là thế, nhưng có lúc, có nơi, có việc này, việc kia, thì tính sâu sát trong hoạt động giám sát vẫn còn hạn chế và tính phản biện chưa cao.
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nhiều doanh nghiệp rất muốn vay được theo gói hỗ trợ này, nhưng các ngân hàng thương mại ngần ngại trong giải ngân. Nguyên nhân là quy định để thực hiện còn chung chung, định tính, khiến nhiều ngân hàng e ngại, đã được VCCI phản ánh trong Báo cáo về dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 công bố trong tháng 3/2023.
Tháng 4/2023, Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 được công bố thêm lần nữa xác nhận, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói hỗ trợ này. Nguyên nhân, có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết, điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
“Trong bối cảnh của năm 2023, cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Rõ ràng, thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất nêu trên, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về vốn. Đến nay, qua những biến cố lớn trên thị trường vốn, khó khăn này thậm chí còn có phần trầm trọng hơn. “Chính sách kịp thời, nguồn cũng đã bố trí, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận, hoặc không muốn tiếp cận, thì cần phải xem xét lại”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chưa có sự “đồng tốc” giữa ban hành và thực thi chính sách
Nhìn toàn bộ các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại Nghị quyết 43, cả chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều cho rằng, dường như chưa có sự “đồng tốc” giữa ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi. Nhìn dài hơn, rộng hơn, thì sự thiếu đồng tốc này không chỉ ở quá trình thực thi Nghị quyết 43, mà đã trở thành căn bệnh trầm kha được nhắc đi, nhắc lại tại diễn đàn Quốc hội.
Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ giữa năm 2021 đến hết năm 2022 của các cơ quan của Quốc hội vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thấy, có 44 điều, khoản thuộc 37 luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao quy định chi tiết, nhưng chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong 64 văn bản ban hành chậm so với yêu cầu, có văn bản chậm đến hơn 8 năm, một số văn bản chậm 3 - 4 năm. Thậm chí, có 4 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
“Sai phạm cụ thể một việc nào đấy thì chúng ta xử lý rất nghiêm, rất kịp thời và rất nặng. Nhưng đôi khi, ban hành một văn bản sai, gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ra ách tắc, thì chưa được đánh giá kỹ lưỡng và xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Như thế, tính thượng tôn pháp luật sẽ kém”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Cán bộ còn “thủ thế để giữ ghế”, kinh tế sẽ trì trệ
“Cần làm gì để kéo gần khoảng cách từ chính sách đến thực thi?” là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với một số vị đại biểu đang công tác ở các cơ quan khác nhau của Quốc hội. Một điểm rất chung ở các câu trả lời - mấu chốt vẫn là công tác cán bộ.
“Yếu tố then chốt vẫn là công tác cán bộ, người đứng đầu của một số cơ quan sợ trách nhiệm, chỉ lo thủ thế để giữ ghế chính là sự cản trở đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nếu không thì khó tránh được sự trì trệ trong thực thi chính sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I/2023 (tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%).
Cũng đề cập một trong những nguyên nhân khiến chính sách gần dân, nhưng đi vào cuộc sống còn chưa được như mong muốn là do một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần giải bài toán tổng thể ở cả khâu lập pháp và giám sát của Quốc hội.
“Qua giám sát, với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, thì tại Kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2023), Quốc hội sẽ đánh giá thông qua lá phiếu tín nhiệm, còn với cán bộ, công chức nói chung, cái gốc để bảo vệ họ vẫn phải từ nền tảng pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Cường đề cập giải pháp.
Theo ông Cường, pháp luật phải theo kịp cuộc sống và phải mang tính linh hoạt. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đổi mới đồng bộ, từ luật về tổ chức bộ máy, trong đó có phân cấp, phân quyền, cho tới luật về quản lý trong từng lĩnh vực và quy định xử lý liên quan đến hành vi vi phạm đều cần đổi mới theo định hướng bảo vệ cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách) đã được nêu trong văn kiện của Đảng.
Các giải pháp để xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, là vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trong phiên họp tháng 3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và Viện trưởng Lê Minh Trí vẫn kiên trì quan điểm là, cần hoàn thiện thể chế về kinh tế cùng với đổi mới chính sách hình sự theo hướng phân hóa để xử lý, nhân văn với người gặp rủi ro. Nhiệm vụ này, tất nhiên đặt lên vai của từng vị đại biểu ở cơ quan lập pháp.
“Bám sát thực tiễn, đem ‘hơi thở cuộc sống’ vào nghị trường”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 20/7/2021.
Từ đó đến nay, với tinh thần ấy, như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia, công tác lập pháp có tính hệ thống, bài bản, thể hiện sự chủ động và tinh thần kiến tạo. Hoạt động giám sát không còn được ví như “cưỡi ngựa xem hoa”, mà “đã giám là sát”, tạo chuyển biến tích cực ngay trong quá trình giám sát. Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước không còn phải chờ đợi “Xuân - Thu nhị kỳ”, mỗi năm hai kỳ họp thường lệ, mà để phúc đáp yêu cầu của cuộc sống, Quốc hội luôn sáng đèn.
Bởi thế, dẫu còn nhiều lo lắng, cử tri có cơ sở tin tưởng rằng, từ cuộc sống đến nghị trường, khoảng cách đã gần hơn và sẽ còn gần hơn nữa.
Đề xuất sáng kiến lập pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu
Tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), Quốc hội sẽ quyết định Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023. Cho ý kiến về nội dung này trong phiên họp tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sốt ruột khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa được đề xuất sửa đổi - vấn đề liên quan mật thiết đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Gợi ý từ Chủ tịch Quốc hội là, nếu Chính phủ không đề xuất, thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có thể đề xuất sáng kiến pháp luật này, bởi “luật này dứt khoát phải làm, không là không được”.