Từ chuyện thay “áo” của các ngân hàng “0 đồng”

(ĐTCK) Ngày 19/1, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã tổ chức lễ công bố nhận diện thương hiệu mới sau hơn 5 tháng chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, với sự hỗ trợ toàn diện từ VietinBank. 
Ngân hàng “0 đồng” thay “áo” mới Ngân hàng “0 đồng” thay “áo” mới

Thông điệp truyền thông mới của GPBank “Niềm tin mới, giá trị mới” được biết đến là lời cam kết với khách hàng về sự đổi mới toàn diện hình ảnh và hoạt động để sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng trong thời gian tới.

Tương tự trước đó, vào ngày 7/8/2015, tức sau gần 5 tháng chính thức chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) cũng đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.

Đây là động thái chính thức của CB trong thông điệp khởi động để trở lại thị trường với đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ từ huy động vốn, cho vay, các dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại… nhằm phù hợp với chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Lệ Nga, Chủ tịch Hội đồng thành viên GPBank cho biết: “Trong thời gian qua, GPBank đã tập trung giải quyết các khoản nợ tồn đọng, đưa ra các giải pháp tối ưu hiệu quả trong công tác thu hồi nợ và lành mạnh hóa tài chính, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng nguồn nhân sự, cải tiến và nâng cấp và ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động. Với hình ảnh thương hiệu mới, GPBank cam kết nỗ lực thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu và hướng tới những giá trị sâu sắc hơn, nhân văn hơn, phát triển vì lợi ích của khách hàng và người lao động”.

Thị trường đánh giá việc thay đổi nhận diện thương hiệu là bước đầu tiên, ghi dấu ấn cho sự chuyển đổi về cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động của các ngân hàng… cho chính khách hàng và nhân viên của ngân hàng đó vững tin hơn vào một thực thể mới. Mặc dù vẫn biết các ngân hàng này đang trong tiến trình tái cơ cấu, nhưng điều thị trường quan tâm hơn đó là, mô hình hoạt động đang được vận hành này đã mang lại những kết quả gì?

Ông Phạm Huy Thông, Tổng giám đốc GPBank cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, mạng lưới hoạt động của GPBank bao gồm 1 hội sở chính, 24 chi nhánh, phòng giao dịch trung tâm, 44 phòng giao dịch, 11 quỹ tiết kiệm và 1 công ty con; 1.278 nhân viên, trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên là 94%. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, toàn bộ ban lãnh đạo nhân viên triển khai các biện pháp duy trì, tăng trưởng nguồn vốn huy động…

“Theo đó, số dư huy động vốn trên thị trường 1 đạt 20.367 tỷ đồng, tăng 3% so với số liệu ngày 7/7/2015. Kết thúc năm 2015, thanh khoản vượt theo yêu cầu dự trữ là 3.400 tỷ đồng. Song song với đó, triển khai mô hình phê duyệt tín dụng tập trung tại trụ sở chính, kiểm soát quản trị rủi ro, rà soát khả năng thu hồi nợ và tập trung thu hồi nợ…”, ông Thông nói.

Liên quan đến việc bán nợ xấu, ông Thông cho biết, từ khi chuyển đổi pháp nhân cho đến nay, GPBank đã tập trung các biện pháp, quyết liệt xử lý nợ xấu, do đó, trong gần 6 tháng qua đã thu được 603 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có 324 tỷ đồng bằng việc bán tài sản thu hồi nợ xấu; thu hồi các khoản phải thu khó đòi, tồn đọng hơn 13 tỷ đồng; thu hồi các khoản đầu tư trái phiếu quá hạn 258 tỷ đồng; thoái vốn, thu hồi cổ tức tồn đọng đối với các khoản góp vốn mua cổ phần hơn 8 tỷ đồng; ngoài ra, còn hoàn thành thủ tục bán cho VAMC được hơn 162 tỷ đồng nợ xấu.

“Bằng nhiều biện pháp tăng cường thu hồi nợ xấu, giảm dần lãi suất đầu vào, đồng thời tận dụng các cơ hội đầu tư để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đồng vốn, quản lý trạng thái ngoại tệ tập trung, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động… kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã có chiều hướng tích cực. Lỗ hoạt động có chiều hướng giảm dần theo theo tháng, lỗ bình quân tháng kể từ thời điểm 7/7/2015 đến cuối năm giảm 38% so với trước ngày 7/7/2015”, ông Thông cho hay.

Từ đầu tuần, trên trang web của Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank) đã đưa hình ảnh về Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2015 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2016 được tổ chức vào cuối tuần trước (ngày 16/1), nhưng cũng không có thông tin chi tiết nào được công bố. Tuy nhiên, đến chiều ngày 19/1, những hình ảnh về Hội nghị đã bất ngờ bị dỡ trên trang web của ngân hàng này.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo của một trong ba ngân hàng “0 đồng” cho biết, Đề án tái cơ cấu của ngân hàng vẫn cần thêm một số bước mới có thể triển khai, nên không thể tránh được việc hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, các ngân hàng không thể huy động vốn về chỉ để trả lãi cho các món huy động trước đó, trong khi hàng nghìn nhân viên vẫn còn đó, nên buộc phải trình xin cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý duyệt từng món cho vay.

“Hiện tại, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng được giao nhiệm vụ đồng hành và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, sẽ cần một thời gian nữa để có thể thực sự hoạt động bình thường trở lại”, vị lãnh đạo trên nói.               

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục