Từ chuyện ga Hà Nội…

(ĐTCK) Sau một thời gian dài, câu chuyện tư duy và tầm nhìn quy hoạch Thủ đô lại nóng trở lại. Không phải câu chuyện một dự án nào đó đang băm nát quy hoạch, cũng không phải một tuyến đường giao thông treo bao năm, mà là câu chuyện về quy hoạch xây cao ốc 40 - 70 tầng ở khu vực ga Hà Nội.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trải qua hơn 100 năm, ga Hà Nội không chỉ trở thành đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử mang tính biểu tượng.

Chính vì thế, ngay khi đề xuất xây cao ốc cao 40 - 70 tầng ở khu vực Hà Nội và phụ cận được nêu ra, đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi từ cả giới chuyên gia, cũng như các thành viên thị trường.

Trong đó, hầu hết ý kiến đều đề nghị Hà Nội nên xem xét lại!

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đề xuất quy hoạch ga Hà Nội theo những thông tin được công bố đã đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử mà Hà Nội mới duyệt. Và nội đô sẽ lại thêm  "lo" về áp lực hạ tầng một khi bản quy hoạch được thông qua và triển khai.

Sự thận trọng này hiển nhiên có cơ sở. Trong thời gian vừa qua, câu chuyện quy hoạch phát triển của Hà Nội bị băm nát đã liên tục được đưa lên các diễn đàn thảo luận. Hầu hết quy hoạch chỉ được một thời gian ngắn là bị phá vỡ do thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn, biến nhiều khu vực của Hà Nội trở nên nhếch nhác, chật chội và luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Cách đây gần một năm, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội để giải cứu những bất cập ách tắc giao thông và hạ tầng quá tải, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trải lòng: “Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa đang tiến dần tới mình mà không biết làm thế nào”!

Sau đó, Hà Nội liên tục tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm để bàn việc xây dựng cơ chế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để nhằm bịt lỗ hổng, hướng tới xây dựng một bản Quy hoạch chung, thống nhất, có tầm nhìn và tư duy phát triển không chỉ 5 năm, 10 năm mà cả trăm năm mới tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Và có thể bản đề xuất quy hoạch ga Hà Nội cũng nằm trong đó, dù hiện tại nó đang vấp phải sự phản đối của dư luận. Được biết, bản quy hoạch này được lập do Sở Quy hoạch - Kiến trúc dưới sự tư vấn của Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (NSC), một đơn vị tư vấn quy hoạch nổi tiếng đến từ Nhật Bản với lịch sử hơn 110 năm tuổi và đã tham gia tư vấn, triển khai gần 25.000 công trình trên toàn thế giới.

Dẫu vậy, danh tiếng của nhà tư vấn chỉ có thể đảm bảo được một phần chất lượng cho bản quy hoạch, cái quan trọng vẫn là mong muốn của của người sở hữu về một công trình giao thông kết hợp văn hóa hay thiên về tính thương mại. 

Như đã nói ở trên, ga Hà Nội cũng là một biểu tượng của Thủ đô, vì thế muốn công tác quy hoạch hiệu quả, ngay từ đầu nó phải đi trên đường ray là một hệ thống pháp luật chặt chẽ, công khai, minh bạch về quy hoạch và kiến trúc, thậm chí minh định lợi ích của các bên.

Đây cũng là nội dung tiêu điểm được đề cập trên số báo Đầu tư Bất động sản mà bạn đọc đang cầm trên tay.          

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục