Từ “bán gỗ” lấn sân sang... “làm nhà”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ vai trò nhà cung cấp vật liệu cho các dự án, một số doanh nghiệp sản xuất gỗ đang có động thái lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Gỗ An Cường chuẩn bị đầu tư vào khu đô thị quy mô hơn 9.000 tỷ đồng. Gỗ An Cường chuẩn bị đầu tư vào khu đô thị quy mô hơn 9.000 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã ACG) công bố thông tin sẽ tham gia liên danh nhà thầu do Công ty cổ phần Thắng Lợi Homes làm đại diện để đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Đây là dự án đầu tư sử dụng đất với diện tích đất khoảng 13,1 ha với các sản phẩm chung cư thương mại, tổng vốn đầu tư khoảng 9.290 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ dự án phải hoàn thành dự án trong 2 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư.

Trước đó, Gỗ An Cường đã “đặt một chân” vào bất động sản thông qua việc mua một vài căn hộ của Novaland với mức lợi nhuận cam kết. Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, Gỗ An Cường là đối tác mua nhà của Novaland, chứ không phải nhà thầu.

Gỗ An Cường khá gắn kết với Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) khi không chỉ trực tiếp đầu tư vào tập đoàn này, mà còn đang sở hữu 30% cổ phần tại Thắng Lợi Homes, công ty con do Thắng Lợi Group nắm giữ gần 70% vốn).

Trong năm 2023, Gỗ An Cường đã đầu tư 405 tỷ đồng vào Thắng Lợi Homes, tăng hơn 4,2 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022, còn Thắng Lợi Group được đầu tư gần 120 tỷ đồng, nhưng chỉ nhận về hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi từ 2 khoản đầu tư này do thị trường bất động sản khó khăn (năm 2022 nhận về 8 tỷ đồng). Số tiền lãi này tiếp tục được cộng dồn vào khoản đầu tư góp vốn tại Thắng Lợi Homes.

Tương tự, một doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ khác là Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (mã GDT) cũng có kế hoạch “lấn sân” sang lĩnh vực địa ốc, tiêu chí đầu tư là bất động sản đã có sẵn nhà máy và hợp đồng cho thuê.

Theo bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Đức Thành, việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu ổn định từ việc cho thuê, mà còn có khả năng sinh lời cao khi chuyển nhượng trong tương lai.

Để thực hiện kế hoạch này, Gỗ Đức Thành sẽ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất Nhà máy số 6 tại phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với giá trị 138 tỷ đồng. Thửa đất có diện tích 28.666,7 m2 (đất ở 300 m2, đất trồng cây lâu năm là 3.836,2 m2, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là 24.530,5 m2).

Ngoài ra, các công trình khác trên đất gồm nhà xưởng 1 với diện tích xây dựng 4.860 m2 và nhà xưởng 2 với diện tích 7.020 m2. Theo một số nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ cổ phiếu AGG và GDT, có nhiều bài học cho các doanh nghiệp đầu tư trái ngành nghề diễn ra thời gian qua. Vì vậy, doanh nghiệp đang kinh doanh thuận lợi và có lợi nhuận thì nên tập trung làm tốt hơn.

“Nếu kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp nên mở rộng thị phần và hướng ra quốc tế, hoặc tăng cường thâu tóm chuỗi cung ứng trong chính ngành của mình. Việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác cần tính toán kỹ lưỡng, nhất là với bất động sản khi thị trường này còn đang đối mặt với nhiều khó khăn”, một nhà đầu tư nói.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, dù xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan từ đầu năm 2024, nhưng khó khăn với thị trường bất động sản vẫn rất lớn và nhiều doanh nghiệp đang phải cố gắng duy trì tồn tại. Vì vậy, với những doanh nghiệp “tay ngang”, thách thức sẽ còn lớn hơn nhiều các doanh nghiệp “chính thống”.

Bà Dương Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy đánh giá, thị trường bất động sản hiện tại đã rất khác, bởi theo quy định mới, doanh nghiệp không thể bán dự án khi chưa đầy đủ pháp lý như trước đây. Vì vậy, để có thể tồn tại, các doanh nghiệp “tay ngang” cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hướng đi chắc chắn trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục