Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo với một số nội dung có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thông báo nêu rõ, các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.
Đặc biệt, từ ngày 08/01/2023, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).
Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương cả nước nắm thông tin để chủ động áp dụng biện pháp phù hợp.
Khuyến nghị doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.
Như vậy, sau gần 2 năm theo đuổi với chính sách "Zero Covid", siết chặt quy trình nhập khẩu hàng hóa, đến nay, Trung Quốc đã dần gỡ bỏ các quy định.
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 kể từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero Covid-19 được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, 11 tháng, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 162 tỷ USD, gần bằng cả năm ngoái (165 tỷ USD). Ngoài vai trò là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ, ở chiều nhập khẩu, đây là thị trường cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hàng đầu của Việt Nam. 11 tháng, đạt 109 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn sẽ cải thiện hơn từ cuối năm 2022 và năm 2023.