Tình trạng doanh nghiệp sau nhiều năm chào bán cổ phần ra công chúng, nhưng chây ỳ không chịu lên sàn là câu chuyện không mới, nhưng vẫn nóng trên thị trường chứng khoán trong nước.
Không ít nhà đầu tư sau khi mua cổ phần đã trở thành nhà đầu tư dài hạn… bất đắc dĩ vì không có kênh bán cổ phiếu. Đáng ngại hơn, khoản đầu tư vào các doanh nghiệp này của nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro, bởi doanh nghiệp hoạt động kém minh bạch, không tôn trọng quyền cổ đông…
Để bảo vệ nhà đầu tư và tăng sức hút cho các đợt chào bán cổ phần, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/QĐ-Ttg, gắn IPO với đưa cổ phiếu trên sàn.
Theo đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận công ty cổ phần, doanh nghiệp phải đưa cổ phiếu lên giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, cũng có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp sau khi chào bán cổ phần ra công chúng chậm lên sàn vẫn chậm được cải thiện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, có lý do là… cơ quan quản lý mới chỉ “giơ cao đánh khẽ” với các doanh nghiệp vi phạm, hầu như chưa doanh nghiệp nào chậm lên sàn bị xử phạt. Nguồn cơn của điều này cũng xuất phát từ việc Nghị định đã có, nhưng còn phải đợi thông tư hướng dẫn.
Với Thông tư 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, sửa đổi Thông tư 217/2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua (15/6), những bất cập này sẽ được tháo gỡ.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản yêu cầu thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, nhưng công ty đại chúng không thực hiện.
Với trường hợp vi phạm này, đại diện UBCK cho biết, Uỷ ban sẽ áp dụng khung hình phạt cao nhất tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP là 300 - 400 triệu đồng nhằm đảm bảo tính răn đe, qua đó, tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp khẩn trương đưa cổ phiếu lên sàn.
Với bước chuyển động chính sách trên, hàng trăm công ty sau cổ phần hóa nhiều năm chưa đưa cổ phiếu lên sàn đang đối mặt với án phạt nặng. Đây là điều giới đầu tư, thị trường chứng khoán mong đợi từ nhiều năm nay, để không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện tính minh bạch trong hoạt động, bổ sung nguồn hàng mới cho thị trường chứng khoán…
Dẫu vậy, vẫn xuất hiện ý kiến lo ngại: ngay cả khi cơ quan quản lý rốt ráo áp dụng chế tài xử phạt trên thì tình trạng doanh nghiệp chậm lên sàn sau cổ phần hóa, chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng khó có thể cải thiện mạnh mẽ.
Lo ngại này xuất phát từ thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp không tự giác tuân thủ quy định về đăng ký công ty đại chúng, làm chậm tiến độ đưa cổ phiếu lên sàn, thì trong số hơn 500 công ty đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn mà Văn phòng Chính phủ công khai gần đây, có nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chí về vốn hoặc cổ đông, thậm chí cả hai tiêu chí này để trở thành công ty đại chúng.
Ở đây khó phân định doanh nghiệp không đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng để đưa cổ phiếu lên sàn do yếu tố khách quan, hay chủ quan. Để làm rõ vấn đề này, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán mới có thể “định tội” những doanh nghiệp cố tình không đáp ứng tiêu chí là công ty đại chúng để “trốn” lên sàn.
Trong một diễn biến có liên quan đến thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn, theo chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong tháng 6 này, Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn lại, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, tách riêng danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.