Xử doanh nghiệp chây ỳ lên sàn, giơ cao mãi không… đánh

(ĐTCK) Hiện có 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Trong tháng 2 và 3/2017, UPCoM có thêm 53 doanh nghiệp đăng ký giao dịch Trong tháng 2 và 3/2017, UPCoM có thêm 53 doanh nghiệp đăng ký giao dịch

“Tồn kho” từ giai đoạn trước

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm nay, số lượng các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM tăng nhanh, sau khi áp dụng cơ chế gắn đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với lên sàn theo cơ chế mới tại Thông tư 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2016.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Cụ thể, trong tháng 2/2017, UPCoM có thêm 31 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch. Trong tháng 3 vừa qua, trên UPCoM có thêm 22 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch, nâng tổng số doanh nghiệp trên sàn này lên 507 doanh nghiệp.

Việc áp dụng Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tạo chuyển biến tương đối rõ nét trong việc gắn IPO với lên sàn, nên lượng doanh nghiệp chậm lên sàn hiện nay chủ yếu là “tồn kho” của giai đoạn trước khi Thông tư này có hiệu lực, do trước đây hoạt động IPO không gắn kết với đăng ký giao dịch, hoặc đăng ký niêm yết.

Liên quan đến số lượng doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán tập trung, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách 578 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn của 14 bộ, 41 địa phương và 29 tập đoàn kinh tế.

Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đang đôn đốc các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế tổng hợp danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa lên sàn, trong đó tách riêng số doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết/đăng ký giao dịch nhưng chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần công khai danh sách những doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ đăng ký giao dịch, niêm yết, đồng thời các doanh nghiệp phải giải thích lý do chậm lên sàn để thị trường, nhà đầu tư nắm bắt.

Chậm áp dụng chế tài

Sau thời gian dài giới đầu tư chờ đợi, chế tài xử phạt các doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn đã được quy định tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, mức phạt cao nhất là 400 triệu đồng áp dụng với trường hợp không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.

Mặc dù chế tài trên có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng. Đây được nhìn nhận là một trong những lý do chưa giải quyết được tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn kéo dài suốt nhiều năm qua.

Lý giải về tình trạng chưa áp dụng chế tài xử phạt doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, một trong những mục tiêu khi ban hành chế tài này là phát đi tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở, để doanh nghiệp tự giác tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn, chứ không phải “đè” tất cả các doanh nghiệp ra để phạt.

Việc áp dụng chế tài mới đang được triển khai theo hướng có lý, có tình, kết hợp giải pháp hành chính với thúc đẩy tuân thủ quy định pháp lý. Bởi vậy, bước đầu tiên là cơ quan quản lý vận động, lưu ý, nhắc nhở doanh nghiệp tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay cần trình phương án niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch để cổ đông thảo luận và thông qua. Sau khi được đại hội thông qua, doanh nghiệp phải công khai thời điểm lên sàn.

Theo đại diện UBCK, sau khi vận động, nhắc nhở tuân thủ nghĩa vụ lên sàn, nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình không tuân thủ, thì tới đây UBCK sẽ xem xét áp dụng chế tài tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP để xử phạt nghiêm nhằm đảm bảo tính răn đe, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp sớm niêm yết, đăng ký giao dịch.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục