TTF có gì để Công ty Xây dựng U&I mua?

(ĐTCK) Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, với giá mua khoảng 8.000 đồng/CP để sở hữu hơn 20% cổ phần của một công ty có giá trị sổ sách âm 1.393 tỷ đồng, Xây dựng U&I phải chăng đã nhìn ra tiềm năng hiện hữu của TTF và có sẵn “nước cờ” để cải thiện tình trạng hiện nay của Công ty?
Thời điểm cuối năm 2016, TTF có khoản lỗ lũy kế hơn 1.271 tỷ đồng Thời điểm cuối năm 2016, TTF có khoản lỗ lũy kế hơn 1.271 tỷ đồng

Sau chuỗi ngày cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) giảm giá sàn không phanh, giới đầu tư kỳ vọng, Công ty sẽ được vực dậy khi Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát tham gia sâu vào Ban điều hành. Thế nhưng, cổ đông lớn này gần đây liên tục thoái vốn, hiện không còn là cổ đông lớn và cổ đông mới là cái tên khá xa lạ - Công ty cổ phần Xây dựng U&I.

Giá cổ phiếu tăng

Diễn biến giá cổ phiếu TTF trong thời gian gần đây cho thấy, cổ phiếu này có không ít phiên tăng giá trần. Theo lý giải của chuyên viên phân tích một số công ty chứng khoán, giá cổ phiếu TTF tăng là do tác động tích cực bởi thông tin sau kiểm toán, lỗ ròng năm 2016 của TTF giảm 350 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 353 tỷ đồng, tương đương giảm 87% so với trước kiểm toán và khoản dự phòng phải thu ngắn hạn chỉ còn 151 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với con số 420 tỷ đồng trước kiểm toán.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của TTF, ngày 26/12/2016, Công ty và các công ty con (nhóm công ty) và một nhà đầu tư tổ chức (nhà đầu tư) đã ký biên bản ghi nhớ về việc nhà đầu tư này đồng ý hỗ trợ và sẵn sàng đảm bảo khả năng thu hồi các khoản phải thu từ một số khách hàng của nhóm công ty với tổng số tiền dự kiến 400 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được quyền mua cổ phiếu trong tương lai khi nhóm công ty phát hành.

Ngày 4/2/2017, nhóm công ty, nhà đầu tư và một cá nhân (là cổ đông của nhóm công ty) đã ký kết thỏa thuận thu hồi nợ với nội dung và điều khoản tương tự như trên. Cá nhân đồng ý dùng số tiền đã cho nhóm công ty vay trong năm 2016, với số dư tại ngày 31/12/2016 là 300 tỷ đồng, để bảo đảm cho số tiền phải thu theo thỏa thuận là 350,22 tỷ đồng, trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện không đúng thời hạn cam kết thanh toán cho nhóm công ty.

Tân Liên Phát thoái vốn, không còn là cổ đông lớn, nhưng TTF xuất hiện cổ đông mới - Xây dựng U&I. Thời điểm diễn ra giao dịch thỏa thuận, thị giá cổ phiếu TTF khoảng 8.000 đồng/CP.

Ước tính, Xây dựng U&I đã chi hơn 232 tỷ đồng để sở hữu 29 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20,054% vốn điều lệ. Cổ phiếu TTF tiếp tục có diễn biến tăng giá, đạt 9.000 đồng/CP.

Giá trị sổ sách âm 1.393 đồng/CP

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của TTF ở mức 3.585 tỷ đồng, trong đó khoản mục hàng tồn kho hơn 1.784 tỷ đồng, giảm 26% so với thời điểm đầu năm 2016, chiếm 50% giá trị tài sản của Công ty.

Liên quan đến hàng tồn kho, kiểm toán viên đã nêu ra ý kiến ngoại trừ về việc không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh đối với số dư hàng tồn kho tại ngày 31/12/2015, khoản lỗ sau thuế năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 và báo cáo lưu chuyển tiền tệ hay không, vì lý do kiểm toán viên không thể xác định được thời điểm phát sinh khoản chênh lệch thiếu hàng tồn kho (gần 1.052 tỷ đồng, đã được ghi nhận năm 2016) phát sinh vào năm báo cáo nào.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, với giá mua khoảng 8.000 đồng/CP để sở hữu hơn 20% cổ phần của một công ty có giá trị sổ sách âm 1.393 tỷ đồng, Xây dựng U&I phải chăng đã nhìn ra tiềm năng hiện hữu của TTF và có sẵn “nước cờ” để cải thiện tình trạng hiện nay của Công ty?  

Tính đến cuối năm 2016, TTF có khoản nợ ngắn hạn hơn 3.423 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn hơn 2.637 tỷ đồng, chiếm trên 77%. Trong khi đó, tiền mặt khoảng 111,5 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn 755 tỷ đồng, tổng hai khoản này bằng 1/3 nợ vay ngắn hạn - tức nếu các khoản vay đồng loạt đến hạn trả thì rõ ràng TTF sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Giá trị sổ sách trên một cổ phần (EPS) của TTF vào cuối năm 2016 là âm 1.393 đồng.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh cốt lõi

Từ năm 2013 trở về trước, TTF là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam. Doanh thu thuần giai đoạn 2010 - 2012 của Công ty luôn đạt trên 2.000 tỷ đồng, cao nhất là hơn 2.900 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu.

Năm 2013 - 2014, doanh thu của TTF sụt giảm, đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Giai đoạn này, Công ty bị 13 ngân hàng “xiết nợ”.

Chia sẻ nhiều lần với giới truyền thông, ông Võ Trường Thành, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF cho biết, nhu cầu đặt hàng từ khách hàng với TTF vẫn có nhưng nguồn lực của Công ty không thể đáp ứng do phải tập trung cơ cấu nợ.

Bắt đầu từ năm 2015, TTF chuyển hướng tập trung hơn cho thị trường nội địa khi nhận thấy thị trường bất động sản “ấm” lên, nhiều dự án mới và cả những dự án cũ tái khởi động.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2015, ông Thành cho biết, Công ty duy trì hoạt động xuất khẩu nhưng cơ cấu đóng góp vào doanh thu không chiếm tỷ trọng lớn như trước, thay vào đó là thị trường nội địa vì thị trường này mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Sau vài năm “chiến đấu” với nợ nần, cổ đông TTF tạm thở phào khi các công bố của Công ty về cơ cấu nợ rất khả quan, giá cổ phiếu theo đó có diễn biến tích cực, có thời điểm từng tăng vọt lên mức 43.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, sau đó, cổ đông TTF “choáng váng” khi phát hiện sai lệch liên quan đến hàng tồn kho, khoản phải thu… của Công ty lên đến cả nghìn tỷ đồng. Diễn biến tiếp theo về giá cổ phiếu của TTF có lẽ không nhà đầu tư nào không biết. Thế nhưng, với động thái Tân Liên Phát đưa người vào Ban lãnh đạo cấp cao của TTF, giới đầu tư kỳ vọng TTF sẽ được vực dậy.

Nhiều nhà đầu tư đánh giá, TTF đang có dây chuyền sản xuất hiện đại, do các công nhân có trình độ tay nghề cao thực hiện; sở hữu nhà máy chế biến gỗ rộng lớn; có thương hiệu trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ; có hệ thống bán hàng và thị phần không nhỏ.

Đáng chú ý, TTF sở hữu tổng diện tích rừng trồng là 14.000ha, với những cây gỗ tràm có đường kính 25 - 40cm, cho giá trị kinh tế cao đã đến tuổi khai thác. Mặc dù chưa có báo cáo hay định giá nào về các tài sản này của TTF, nhưng TTF có cổ đông lớn mới thay cho Tân Liên Phát, thì khoản đầu tư của Xây dựng U&I có lẽ không phải là lựa chọn tồi.

Tuy nhiên “nút thắt” vẫn đang hiện hữu tại TTF là khâu xử lý nợ, hàng tồn kho - hai yếu tố khiến TTF lao đao kể từ năm 2013. Tháo được hai nút thắt này, Công ty mới có thể tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.             

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục